^
^
Lạc giáo của Phanxicô | Lạc giáo trong Vaticanô II | Lạc giáo của Biển Đức XVI | Lạc giáo của Gioan Phaolô II | Từ điển thuật ngữ nguyên tắc | Sự thật về Sơ Lucia giả mạo | Kế hoạch hoá gia đình tự nhiên (NFP) là tội lỗi | Lòng thương xót Chúa của sơ Faustina là giả | Cửa hàng online và thông tin liên lạc |
Các bước trở lại đạo | Nơi lãnh nhận các bí tích | Kinh Mân Côi | Không có Ơn cứu độ bên ngoài Giáo hội | Thuyết Trống toà là gì | Thánh lễ Mới không thành sự | Nghi thức truyền chức linh mục mới | E-Exchanges | ![]() |
Cầu nguyện, phương tiện đón nhận ân sủng vĩ đại
Ảnh Thánh Biển Đức
Sự hoàn thiện và cao quý của việc cầu nguyện
Thánh Phanxicô de Sales, trong một dịp, đang giảng dạy cho những đứa trẻ về niềm hạnh phúc của tổ phụ và tổ mẫu chúng ta trong Vườn địa đàng, đã nói rằng: “Một trong những niềm vui ngọt ngào nhất của ông Ađam và bà Êva là được phép dạo bước với Đức Chúa, và trò chuyện với Người như đối với một người Cha đầy yêu thương.” Cảm động sâu sắc trước suy nghĩ này, một cậu bé thốt lên: “Ôi, thật đáng tiếc biết bao là giờ đây chúng ta không còn được làm như vậy! Con rất muốn được nói chuyện với Thiên Chúa. Con rất thích được cùng Người dạo bước.”
Vị giám mục, mỉm cười trước lời bộc bạch đáng thương này, và ông trả lời cách dịu dàng: “Hãy an tâm, con yêu dấu! Đúng là chúng ta đã mất Vườn địa đàng vì tội nguyên thủy – nhưng Thiên Chúa không bao giờ xa lìa chúng ta.” Tại khắp mọi nơi, Người luôn ở gần chúng ta. Chúng ta có thể trò chuyện và giao tiếp với Người bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Điều này được thực hiện qua việc cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta kết nối với Người. Khi cầu nguyện, chúng ta trò chuyện với Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng trò chuyện chúng ta. Và sự tương giao này chẳng có gì ngoài những niềm vui và hạnh phúc.
Đây quả thật là một vinh dự lớn lao cho chúng ta, khi được trò chuyện với Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào ta muốn. Đây là một đặc ân mà chúng ta nên trân trọng trên tất cả mọi điều khác. “Cầu nguyện biến đổi trái tim phàm tục thành trái tim thiêng liêng. Biến trái tim nguội lạnh thành trái tim nhiệt thành. Biến trái tim con người thành trái tim thánh thiện”, như lời Thánh Gioan Kim khẩu nói.
Vậy, phải với lòng kính trọng biết bao, chúng ta nên trò chuyện với Thiên Chúa? Thánh Augustinô hỏi: “Có điều gì còn cao quý hơn cả cầu nguyện? Có điều gì còn hữu ích hơn trong đời sống chúng ta không? Có điều gì còn ngọt ngào hơn cho tâm hồn, hoặc điều gì còn cao đẹp hơn trong đức tin của chúng ta không?”
Cầu nguyện là nền tảng của mọi nhân đức. Cầu nguyện là chiếc thang dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Đưa ta đến gần các thiên thần, và là nền tảng của đức tin. “Trong tất cả những gì chúng ta coi trọng và trân quý trong cuộc đời này, không gì đáng trân quý hơn việc cầu nguyện”, như Thánh Grêgôriô đã nói. Thánh Ephrem cũng thốt lên: “Ôi, sự vĩ đại và cao đẹp của việc cầu nguyện! Phúc thay ai cầu nguyện cách nhiệt thành. Satan không thể đến gần họ, miễn là họ không tự lừa dối lòng mình. Ôi, việc cầu nguyện thật cao đẹp làm sao!”
Đây đích thật là những lời đầy an ủi. Đúng như lời Thánh Augustinô: “Con người, do sự yếu đuối của bản thân mình, không thể hoàn thành một số điều răn của Thiên Chúa bằng sức riêng.” Nhưng ông khích lệ chúng ta khi tuyên bố: “Chừng nào Thiên Chúa chưa rút lại ơn cầu nguyện, Người sẽ không thu hồi lại lòng xót thương của Người. Vì Đấng ban cho ta lòng cầu nguyện cũng sẽ ban cho ta những gì ta cầu xin.”
Lời cầu nguyện của người công chính là chìa khóa mở cổng thiên đàng. Nhờ sức mạnh từ lời cầu nguyện, chúng ta có thể làm được mọi sự. Cầu nguyện là sự bảo vệ chính yếu cho linh hồn chúng ta. Cầu nguyện là nguồn cội của mọi nhân đức. Blosius Đáng kính khẳng định rằng cầu nguyện là một tấm áo giáp không thể xuyên thủng, là nơi trú ẩn an toàn. Chỉ nhờ cầu nguyện, ta mới có thể đẩy xa mọi sự dữ.
Cầu nguyện thanh tẩy linh hồn ta. Giúp ta tránh khỏi hình phạt đáng chịu vì tội lỗi. Giúp ta bù đắp cho những sự thiếu sót. Giúp ta nhận được ơn lành của Thiên Chúa. Giúp ta dập tắt những dục vọng xấu xa. Giúp ta kiềm chế sự xung động. Giúp ta chiến thắng kẻ thù. Giúp ta xoa dịu đau khổ. Giúp ta mang đến bình an. Giúp ta kết hợp với Thiên Chúa. Nâng ta lên vinh quang đời đời.
“Không gì giúp chúng ta gia tăng nhân đức nhanh chóng hơn việc cầu nguyện thường xuyên, sự liên kết và tiếp xúc thân tình lặp đi lặp lại với Thiên Chúa”, như lời Thánh Gioan Kim khẩu. Nhờ cầu nguyện, trái tim ta đạt được sự cao quý đích thực. Nó coi thường những điều của thế gian. Trái tim ta dần dần kết hợp với Thiên Chúa và trở nên thiêng liêng và thánh thiện.
“Hiệu quả của lời cầu nguyện thật vĩ đại, vì nó làm nguôi lòng Thiên Chúa, đưa ta đến với các thiên thần và giày vò ma quỷ”, như Thánh Bonaventura tuyên bố.
Theo Thánh Bernard, không gì có thể mang lại cảm xúc ngọt ngào hơn việc cầu nguyện sốt sắng. Không gì có thể làm đầy trái tim ta với niềm vui lớn lao hơn. Không gì có thể trao ban sức mạnh để ta thực hiện những hành động anh hùng và chịu đựng đau khổ, như là việc cầu nguyện.
Sự cần thiết của việc cầu nguyện
Ai muốn đạt được Nước Trời phải cầu nguyện. Kinh Thánh không thúc giục chúng ta làm việc lành nào khác nhiều như việc cầu nguyện. “Đừng để điều gì cản trở ngươi luôn cầu nguyện (Hc 18:22)”. “Hãy tỉnh thức trong lời cầu nguyện (Lc 21:36)”. “Hãy chuyên cần cầu nguyện (Rm 12:12)”. “Với mọi lời cầu nguyện và khẩn nài, hãy cầu nguyện không ngừng trong Thần Khí (Ep 6:18)”. Thiên Chúa nhấn mạnh rằng chúng ta phải luôn cầu nguyện và đừng bao giờ nản lòng.
Ngôn từ của Thánh Kinh chính là ngôn từ của các vị thánh. Thánh Alphonsô, trong nhiều tác phẩm, đã than phiền cách cay đắng rằng các linh mục giảng lễ và giải tội quá ít khi nói về việc cầu nguyện, và không khuyến khích giáo dân về điều này như họ nên làm. Ông khuyên răn các linh mục rằng trong các bài giảng, và khi thi hành nhiệm vụ thiêng liêng trong Tòa Giải tội, họ phải thật nhiệt thành trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc cầu nguyện. Chính ông cũng từng viết: “Mỗi khi tôi giảng, tôi luôn lặp đi lặp lại những lời này: Hỡi mọi người, hãy cầu nguyện... cầu nguyện... cầu nguyện!”
Mỗi khi các vị thánh nói về sự cần thiết của việc cầu nguyện, họ sử dụng những cách diễn đạt và so sánh mạnh mẽ, như những lời dưới đây:
Về hiệu quả của việc cầu nguyện
Thật vĩ đại là hiệu quả của việc cầu nguyện sốt sắng. Nhờ việc cầu nguyện, chúng ta được Thiên Chúa ban tặng cho vô vàn ân huệ và ơn sủng từ Người. Đúng vậy, việc cầu nguyện còn thúc giục Người làm như vậy, bởi vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành và nhân từ. Người đã phán: “Vậy nếu các ngươi vốn là những kẻ gian ác, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, thì huống hồ là Cha các ngươi, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban của lành cho những ai xin Người?”
Để khơi dậy niềm tin tưởng mạnh mẽ hơn nơi chúng ta, Thiên Chúa đã đưa ra lời hứa long trọng này: “Hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì phàm ai xin thì lĩnh; ai tìm thì gặp; và ai gõ thì sẽ mở cho.” Người còn nói: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: điều gì các ngươi sẽ xin cùng Cha, thì Người sẽ ban cho nhân Danh Ta.”
Thật rõ ràng và mạnh mẽ là những lời trên. Thiên Chúa mong muốn nghe lời cầu nguyện của chúng ta vì Người là Đấng tốt lành. Người phải lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta vì Người là Đấng công chính và là chân lý vĩnh cửu – và Người đã ban cho chúng ta lời hứa long trọng ấy.
Cầu nguyện đem lại ân sủng cao cả nhất – sự kiên trì đến cùng
Ơn kiên trì đến cùng tức là ơn được chết lành. Đây là ân sủng lớn lao nhất trong mọi ân sủng. Một cái chết lành là sự chấm dứt mọi đau khổ, và là khởi đầu của mọi niềm hạnh phúc. Thánh Augustinô nhận định: “Bắt đầu một công việc tốt lành không hẳn là thật quan trọng. Nhưng hoàn thành nó – đó mới chính là sự hoàn thiện!”
Khi suy xét về đời sống của một Kitô hữu, ta không quá quan tâm đến cách một người bắt đầu – mà là cách một người kết thúc! Liệu người đó có kiên trì đến cùng không. Thánh Phaolô đã khởi đầu không tốt, nhưng đã kết thúc tốt lành. Trái lại, Giuđa khởi đầu rất tốt nhưng kết cục của hắn thì thật khủng khiếp, như Thánh Giêrôm đã nhận xét.
“Hãy tin tôi”, Thánh Bernard nói: “Satan rất ganh ghét sự kiên trì, vì hắn biết chỉ có sự kiên trì mới được Thiên Chúa ban triều thiên vinh quang.”
Ơn được kiên trì đến cùng là ân sủng cần thiết nhất trong mọi ân sủng. Hạnh phúc đời đời hay đau khổ đời đời của chúng ta phụ thuộc vào ân sủng này. “Nhưng kẻ nào kiên trì đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu!” (Mátthêu 24:13)
Cầu nguyện có thể đem lại cho chúng ta ơn được kiên trì đến cùng. Giáo huấn này được các thánh và các bậc thầy về đời sống thiêng liêng nhất trí giảng dạy. Tất cả đều đồng ý với giáo huấn nổi tiếng của Thánh Augustinô: “Ơn được kiên trì có thể đạt được nhờ lời cầu nguyện khiêm nhường.” Cha Suarez khẳng định: “Nếu ai kiên trì cầu nguyện cho ơn được kiên trì đến cùng, họ chắc chắn sẽ nhận được.”
Thánh Tôma Aquinô viết: “Những gì công nghiệp của chúng ta không đạt được, chúng ta có thể đạt được nhờ lời cầu nguyện.” Sự thánh thiện của đời sống là kết quả của việc cầu nguyện, nhưng một cái chết thánh thiện thì càng hơn cả kết quả của cầu nguyện! Một người không cầu nguyện để xin ân sủng này thì sẽ không nhận được.
Thánh Augustinô nói: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa chỉ ban ơn kiên trì đến cùng cho những ai cầu xin Người điều đó.” Dù Thiên Chúa chúng ta đã long trọng đảm bảo với Thánh Gertrude rằng bà sẽ đạt được vinh quang đời đời, nhưng mỗi ngày, bà vẫn tiếp tục cầu nguyện sốt sắng xin ơn được kiên trì đến cùng.
Hãy xem xét giáo huấn của Thánh Robertô Bellarminô: “Cầu nguyện xin ơn kiên trì đến cùng không chỉ một lần hay vài lần là đủ. Chúng ta phải liên tục cầu nguyện cho ân sủng này mỗi ngày – và tiếp tục như vậy cho đến cuối đời.”
Hãy cầu nguyện xin ân sủng này vào buổi sáng. Hãy cầu nguyện vào buổi tối, trong Thánh Lễ, khi rước lễ, trong lúc bị cám dỗ, trong những lúc vui mừng, và Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban cho chúng ta ân sủng lớn lao nhất trong mọi ân sủng.
Thánh Grêgôriô nhận xét: “Thiên Chúa mong muốn ban cho chúng ta ơn kiên trì đến cùng, nhưng đồng thời, Người cũng muốn chúng ta cầu xin thường xuyên và, như thể, ép buộc Người phải ban nó cho chúng ta!”
Không có ân sủng này, mọi ân sủng khác sẽ trở nên vô ích. Thật vậy, một cánh đồng bội thu nhất cũng sẽ chẳng ích lợi gì, nếu cuối cùng nó lại bị hủy hoại bởi mưa bão hoặc cuốn trôi đi bởi lũ lụt. Tương tự vậy, đời sống Kitô hữu đức hạnh sẽ thật vô nghĩa gì nếu thiếu đi ơn kiên trì đến cùng.
Cầu nguyện gia tăng sức mạnh trong lúc bị cám dỗ
Cầu nguyện quả thật là một phương thuốc phổ quát, có thể dùng để mang lại lợi ích lớn lao nhất trong mọi thời điểm, cho mọi nhu cầu cả đời sống tạm lẫn đời sống thiêng liêng. Cầu nguyện là vũ khí tuyệt vời nhất để chiến thắng các cám dỗ. Giống như các Tông đồ bị giông tố quật ngã trên Biển Hồ Galilê, chúng ta kêu lên trong lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con! Chúng con chết mất!” Và sự bình an cùng sức mạnh của Chúa Kitô đến trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến chống lại thế gian, xác thịt và ma quỷ.
Cám dỗ là điều cần thiết cho chúng ta. “Không ai có thể được triều thiên nếu không chiến thắng,” Thánh Augustinô nói. Hàng ngàn cám dỗ đang chờ đợi chúng ta xuyên suốt cuộc đời. Chúng ta cần vô vàn ân sủng để chiến thắng Satan. Những ân sủng này trước tiên phải được đạt tới bằng việc cầu nguyện.
“Nếu con hỏi,” Thánh Alphonsô nói, “làm thế nào con có thể chiến thắng các cám dỗ, thì cha sẽ trả lời: phương pháp thứ nhất là cầu nguyện. Phương pháp thứ hai là cầu nguyện! Phương pháp thứ ba cũng là cầu nguyện! Nếu con hỏi cha một ngàn lần, cha cũng sẽ trả lời một ngàn lần như vậy.”
Để đẩy lui các cám dỗ, thì việc chống trả tức thì, lòng khiêm nhường sâu sắc, sự tin tưởng vào Thiên Chúa và sự tỉnh thức đều là cần thiết. Nhưng việc cầu nguyện – theo chứng minh của các Giáo phụ – vẫn là phương tiện tuyệt vời nhất và hiệu quả nhất để giành chiến thắng trong trận chiến.
Cầu nguyện hoán cải tội nhân
Trong lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của tội nhân và ban cho họ ơn hoán cải. Chính Thiên Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ: “Ta lấy mạng sống của Ta mà thề, Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ezekiel 33:11)
Niềm vui của Thiên Chúa là ban cho chúng ta ơn tha thứ. Lời bảo đảm đầy lòng thương xót của Người thật an ủi biết bao: “Dù tội các ngươi có đỏ thắm như son, cũng sẽ ra trắng như tuyết. Dù đỏ thắm như vải điều, cũng sẽ ra trắng như bông.” (Isaia 1:18)
Dụ ngôn nổi tiếng về người con hoang đàng thật cảm động. “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha,” chàng trai lầm lạc thốt lên, “con không còn đáng gọi là con cha nữa.” Người cha, tràn ngập niềm vui trước sự trở về của con, ôm lấy cậu và tha thứ mọi lỗi lầm cho cậu.
Lại nữa, người thu thuế với lòng sám hối sâu xa đã đấm ngực mình và thưa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Và kìa, ông ta ra về trong ơn công chính!
Chúng ta có thể tìm được một ví dụ nào cảm động hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa, khi Người đối xử với mộttội nhân công khai là bà Madalena không? Bà quỳ sụp dưới chân Chúa Giêsu. Đôi môi bà không thốt nên lời. Trái tim bà quá nặng nề để có thể nói. Bà cầu nguyện trong nước mắt. Thiên Chúa thấu hiểu ngôn ngữ thầm lặng này và phán lời tha thứ: “Tội con đã được tha. Hãy đi bình an.”
“Hai tội nhân cùng chịu chết trên thập giá cạnh Chúa Giêsu trên đồi Canvê. Một người cầu nguyện và được cứu. Người kia không cầu nguyện và bị hư mất” – Thánh Alphonsô nhận xét.
Vì thế, hỡi những kẻ có tội, hãy được an ủi và cầu nguyện. Nếu ta cảm thấy thiếu can đảm và lòng tin cậy, hãy hướng về Đức Mẹ, Mẹ của Lòng Thương Xót, Nơi Nương Náu của Tội Nhân. Với Bà, ta sẽ tìm thấy sự trợ giúp.
Cầu nguyện soi sáng trí hiểu và thắp lửa tâm hồn
Thánh Phanxicô đệ Salê nói với chúng ta: “Cầu nguyện nâng tâm trí chúng ta đến với ánh sáng và đức khôn ngoan của Thiên Chúa, đồng thời làm bừng cháy ý chí của chúng ta với tình yêu thiêng liêng.”
Vua Salômôn nói về chính mình: “Tôi đã ao ước sự khôn ngoan, và trí hiểu biết đã được ban cho tôi. Tôi đã cầu khẩn Thiên Chúa, và Thần Khí khôn ngoan đã ngự xuống trên tôi.”
Thánh Tôma Aquinô tuyên bố: “Tôi đã tìm được nhiều sự khôn ngoan khi cầu nguyện dưới chân Đấng Chịu Đóng Đinh, hơn là tất cả những gì tôi đọc được trong các sách vở.” Vị Thánh Tiến sĩ này từng hỏi Thánh Bonaventura rằng từ đâu ông có được hiểu biết tuyệt diệu đến như vậy. Thánh Bonaventura chỉ vào Thánh Giá và nói: “Đây là cuốn sách của tôi! Từ đây, tôi rút ra sự hiểu biết của mình.”
Để công việc chúng ta được Thiên Chúa chúc lành, mọi hoạt động của chúng ta phải được bắt đầu bằng việc cầu nguyện, và cũng phải kết thúc bằng việc cầu nguyện. Nếu công việc kéo dài, chúng ta nên ngắt quãng bằng những lời cầu nguyện ngắn gọn và sốt sắng, gọi là các lời nguyện tắt. Thực hành này sẽ ban ánh sáng và sức mạnh cho tâm trí và trái tim chúng ta.
Thánh Vincentê Phêrê nói: “Học tập mà không cầu nguyện làm cho trí óc mỏi mệt và tâm hồn khô khan.” Việc cầu nguyện giống như hơi thở của trái tim triều mến. Không có cầu nguyện, tình yêu không thể tồn tại trong tâm hồn được lâu dài. Ngọn lửa tình yêu cần được thắp sáng bằng việc cầu nguyện.
Thánh Gioan Kim khẩu đưa ra một so sánh rất thích hợp và đáng suy ngẫm: “Muốn giữ nước luôn ấm, chỉ hun nóng một lần là không đủ. Ta phải thường xuyên hun nóng – mà thực sự là liên tục hun nóng – nếu không, nước sẽ mất đi độ ấm, trở nên nguội lạnh và cuối cùng trở lại nhiệt độ lạnh tự nhiên. Tương tự như vậy, trái tim chúng ta cần được thường xuyên tiếp xúc với lửa tình yêu trong suốt ngày để giữ được lòng sốt sắng và sùng đạo. Nếu không, chúng ta sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái nguội lạnh tự nhiên.”
Cầu nguyện ban cho mọi nhân đức
Thánh Charles Borromeo nói rằng cầu nguyện là khởi đầu, là sự phát triển, và là sự hoàn thành của mọi nhân đức. Thánh Ephrem khẳng định: “Nhân đức được hình thành nhờ cầu nguyện.” Cầu nguyện giữ gìn sự tiết độ… kiềm chế cơn giận dữ… ngăn chặn những cảm xúc kiêu ngạo và ghen tị… dẫn dắt Thánh Thần xuống tâm hồn và nâng con người lên Thiên Đàng.
Khi thường xuyên kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta nhận được ân sủng và sức mạnh để thực hành mọi nhân đức. Những ai thường xuyên cầu nguyện với lòng sốt sắng và nhiệt thành sẽ sống đời sống đầy nhân đức và bình an.
Biết bao bậc phụ huynh đạo đức đã nuôi dạy con cái mình cách mẫu mực. Họ thật rộng rãi với người nghèo. Họ luôn trung thực trong việc àm ăn. Biết bao người đã sống khiết tịnh và khiêm nhường. Biết bao người đã siêng năng lãnh nhận Mình Thánh và sốt sắng tham dự Thánh Lễ.
Chúng ta có thể khẳng định một cách chính đáng: càng cầu nguyện nhiều và cầu nguyện tốt, thì người đó càng là một Kitô hữu tốt hơn.
Trong một gia đình mà việc cầu nguyện được trân trọng, có một đức tin Kitô giáo sống động. Nhưng nơi nào không có cầu nguyện, nơi đó không có đức tin Kitô giáo và không có nhân đức thực sự. Thánh Chrysostom vì thế viết: “Nếu tôi nhận thấy một người không yêu mến việc cầu nguyện, tôi biết ngay rằng người đó không có gì tốt đẹp trong tâm hồn. Người không cầu nguyện với Thiên Chúa là chết và không có sự sống thật sự. Phẩm giá của một người chỉ được xác định bởi việc cầu nguyện.”
Để giúp các tu sĩ của ông nhận thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện, Thánh Bernard thường nói: “Hãy gõ cửa một tu viện và hỏi xem tinh thần cầu nguyện có đang nở rộ trong các tu sĩ không – liệu họ có nhiệt thành trong việc cầu nguyện không? Nếu ta nhận được câu trả lời ‘có’, thì hãy yên tâm rằng các tu sĩ này là thánh thiện. Nếu câu trả lời là ‘không’, thì ta chắc chắn rằng trái tim họ đang ở trong một tình trạng đáng buồn.”
Điều tương tự cũng có thể được nói về mỗi giáo xứ, mỗi gia đình, mỗi linh hồn cá nhân.
Một người bắt đầu cầu nguyện, theo một vị thánh, sẽ ngừng phạm tội. Nhưng người ngừng cầu nguyện sẽ bắt đầu xúc phạm đến Thiên Chúa.
Thánh Lawrence Justinian tổng kết hiệu quả của việc cầu nguyện bằng những lời sau: “Cầu nguyện hoán cải con người và làm những kẻ có tội trở thành thánh nhân.” Chúng ta phải cầu nguyện trong lúc gặp nguy hiểm. Một đứa trẻ chạy đến cha mẹ khi nguy hiểm đến gần. Cũng vậy, con người yếu đuối, mong manh phải tìm sự trợ giúp và bảo vệ từ Thiên Chúa khi đang bị thử thách và cám dỗ.
Chúng ta khó lòng chiến thắng các tà thần mà không cầu nguyện. Vì thế, nghĩa vụ của chúng ta là cầu nguyện trong thời gian cám dỗ. Đây là giáo lý của các nhà thần học – và Thánh Tôma Aquinô khẳng định rằng ta có nghĩa vụ cầu nguyện khi mình có nguy cơ phạm tội. Tin tưởng vào sức mạnh của chính mình là kiêu ngạo và tự mãn. Và cuối cùng, người đó sẽ bị cám dỗ một cách đau đớn. Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta bằng các điều răn của Người. Quỷ dữ dụ dỗ chúng ta bằng những cám dỗ xấu xa. Ai không cầu nguyện sẽ không nhận được ân sủng chiến thắng – và quỷ dữ sẽ thắng thế!
Đặc biệt là đối với những cám dỗ chống lại đức khiết tịnh, ngay cả những quyết tâm tốt, việc nhớ đến thiên đàng và hỏa ngục thường không có hiệu quả vì, như Thánh Alphonsô nhận xét: “Dục vọng làm mờ mắt con người, và lấy đi nỗi sợ hãi về hình phạt từ Thiên Chúa.” Nếu một người không cầu nguyện và không tìm nơi nương náu nơi Thiên Chúa khi bị cám dỗ về đức khiết tịnh, thì người đó sẽ bị hư mất.
Cách duy nhất để thoát khỏi cám dỗ là cầu nguyện. Hàng ngàn người đã chiến thắng cám dỗ bằng việc cầu nguyện Kinh Kính Mừng hoặc dâng mình cho sự bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa với những lời như sau: “Nữ Vương của con! Mẹ của con! Xin nhớ rằng con là của Mẹ. Xin giữ gìn con, bảo vệ con như cơ nghiệp của Người.”
Vô số người đã chiến thắng những cám dỗ mãnh liệt nhất vì họ tìm nơi nương náu trong các Vết Thương Thánh của Chúa Giêsu… ôm lấy Thánh Giá… hoặc cầu nguyện lên Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong cả những tình huống nguy hiểm mặt thể xác, như khi một thập giá nặng nề đè lên chúng ta – hay khi đối diện với nguy cơ chết chóc – chúng ta phải cầu nguyện. Đây là bổn phận thiêng liêng của chúng ta.
Thiên Chúa muốn giúp đỡ chúng ta, nhưng chúng ta phải kêu cầu Người. Trong mọi thử thách, Giáo hội cầu nguyện và kêu gọi các tín hữu cầu nguyện. Giáo hội mời gọi mọi người đến trước bàn thờ, tập hợp họ trước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện cùng với họ cách nhiệt thành. Ta hãy học tập tấm gương này, và cầu nguyện trong mọi tình huống nguy hiểm cả về thân xác lẫn linh hồn.
Cầu nguyện khiến Thiên Chúa ban ơn lành cho công việc của chúng ta
Không hề nói quá chút nào, mọi điều vĩ đại thật sự trong thế giới này đều là hoa trái của việc cầu nguyện. Mỗi một người đạt được thành tựu phi thường trong Giáo hội đều là con người cầu nguyện. Vì lý do này, lợi ích mà các dòng tu chiêm niệm trong Giáo hội mang lại là không thể đo lường được.
Thế gian vô tri gọi những ai sống đời tu hành là những kẻ ăn không ngồi rồi; nhưng thật sự, họ lại là những người hữu ích nhất. Chúa Kitô đã dành 30 năm cuộc đời Người cho việc cầu nguyện và ẩn dật, và chỉ dành 3 năm cho việc giảng dạy trước muôn người – để cho chúng ta thấy rằng đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện ẩn dật, quý giá hơn gấp mười lần so với đời sống hoạt động.
Mẹ Maria và Thánh Giusê, những vị thánh vĩ đại nhất, đã sống một đời sống ẩn dật cầu nguyện trong nội tâm. Vì lý do tương tự, Chúa Giêsu đã nói rằng Bà Maria Mađalêna đã chọn phần tốt hơn so với Martha. Quan điểm này luôn được Giáo hội tuân giữ, vì theo học thuyết của các Giáo phụ, trạng thái chiêm niệm – trạng thái cầu nguyện – là một điều thiết yếu cho Giáo hội chiến đấu trên trần gian.
Trạng thái này, hơn bất cứ trạng thái nào khác, dẫn dắt ơn lành của Thiên Chúa lên Giáo hội… chiến thắng các trận chiến của Đức Chúa… và mang lại chiến thắng cho Hiền thê của Người, Giáo hội.
Tương tự như trong Giáo hội, việc cầu nguyện trong gia đình cũng vậy. Thật tốt đẹp biết bao khi Thiên Chúa ban ơn lành lên công việc của chúng ta. Nhưng đừng bao giờ quên rằng: chính việc cầu nguyện mới là đầu nguồn của những ơn lành. Để có được bình an trong gia đình, cảm nhận niềm vui và nguồn an ủi nơi con cái, đó là hoa trái của việc cầu nguyện. Nếu công việc làm ăn của chúng ta phát đạt, nếu những dự án của chúng ta thành công, chúng ta có thể đang nợ điều này từ những người đã cầu nguyện cho chúng ta. Hoặc có thể là vì chính chúng ta thường xuyên quỳ xuống và cầu nguyện.
Cầu nguyện giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh cần thiết của cuộc sống và mang lại sự an ủi trong những lúc khổ đau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, nói rằng: “Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn, Ta sẽ giải thoát, và ngươi sẽ làm hiển danh Ta” (Tv 50:15) Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, và Ta sẽ cho các ngươi nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28)
Chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống thế tục, và Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta – miễn là những điều đó không cản trở chúng ta đạt được ơn cứu độ. “Tất cả những gì các ngươi cầu xin, hãy tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.” (Mc 11:24) Chúa Giêsu không loại trừ bất cứ điều gì. Người bao gồm mọi thứ, cả những ơn thế tục lẫn những ơn thiêng liêng.
Trong Kinh Lạy Cha, Người dạy chúng ta cầu xin lương thực hàng ngày. Thiên Chúa nghe lời cầu xin của chúng ta về những điều tốt đẹp tạm thời. Đây cũng là giáo huấn của Giáo hội bất khả ngộ. Giáo hội hiểu rõ rằng con người có thể gieo trồng và chăm tưới, nhưng Thiên Chúa mới là Đấng ban sự tăng gia. Vì lý do này, Giáo hội đã tổ chức những Ngày Lễ Cầu Nguyện – ba ngày cầu nguyện và rước lễ trước Lễ Thăng Thiên – để xin Thiên Chúa ban ơn lành cho mùa màng trên mặt đất. Đúng vậy, Thiên Chúa ban cho chúng ta cả những ơn tạm.
Mỗi tín hữu đều có thể (và vì thế nên) cầu nguyện xin thành công trong công việc, cho sự bảo vệ sức khỏe, cho mùa màng bội thu.
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn cầu nguyện trong tinh thần phải tuân phục Thánh Ý của Chúa. Biết bao lần, trong sự nhân từ vô hạn, Thiên Chúa đã đặc biệt ban cho những người cầu nguyện với niềm tin thuần khiết như trẻ thơ nhiều thành tựu trong các công việc tạm.
Tại Sao Thiên Chúa Có Vẻ Như Không Nghe Lời Cầu Nguyện Của Chúng Ta
“Tôi đã cầu nguyện thật lâu nhưng tất cả đều vô ích! Thiên Chúa sẽ không nghe tôi, lời cầu nguyện của tôi là vô dụng.” Chúng ta thường xuyên nghe những lời than vãn như thế. Nhưng điều này là sai. Lời cầu nguyện của chúng ta không bao giờ vô dụng, không bao giờ vô ích – nếu chúng ta cầu nguyện một cách tôn kính. Đúng là lời cầu xin của chúng ta không phải lúc nào cũng được Thiên Chúa ban cho theo cách chúng ta mong muốn.
Nhưng hãy nghe lời của thánh Isidore: “Thường thì Thiên Chúa không ban lời cầu nguyện của một số người theo cách họ mong muốn, là vì Người dành dụm chúng cho ơn cứu rỗi của họ.” Thánh Gioan Damascene đã nói rất hay: “Không nhận được điều ta mong muốn thường có nghĩa là ta sẽ nhận được điều gì đó tốt đẹp hơn!”
Thánh Tôma Aquinô viết: “Thiên Chúa hành động như một vị bác sĩ khôn ngoan, người mà khi bệnh nhân yêu cầu ngưng dùng thuốc, nhưng vị bác sĩ (biết rằng thuốc đó có lợi cho người bệnh) không làm vậy.” Người đối xử với chúng ta cũng như vậy. Người không cứu thoát con người khỏi cơn thử thách, ngay cả khi chúng ta cầu xin Người, vì qua việc kiên nhẫn chịu đựng, con người có thể lao lực góp phần vào ơn cứu rỗi của mình.
Thiên Chúa biết chính xác thời điểm thích hợp trong việc trao ban cho chúng ta điều gì đó. Đứa trẻ la hét và xin được chơi với cây dao; nhưng người mẹ yêu thương lại từ chối điều đó. Thiên Chúa đối xử với chúng ta theo cách tương tự. Người ban cho chúng ta điều gì đó tốt hơn những gì chúng ta đã xin, như thánh Gioan Chrysostom viết.
Thánh Gertrude có lần nói với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, vì sao lời cầu nguyện của con lại thường xuyên không có hiệu quả?” Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta, Đấng là Sự Khôn Ngoan Vô Tận, thỉnh thoảng không trả lời lời cầu nguyện theo ý con, thì chắc chắn là để ban cho con điều gì đó có lợi hơn, vì trong sự yếu đuối của con, con không thể nhận ra điều gì là tốt nhất cho con.”
Trong các công việc tạm – đặc biệt là trong những thử thách và gian truân, trong bệnh tật và bất hạnh – chúng ta nên luôn cầu nguyện với sự phó thác vào Thánh Ý Chúa.
Lời cầu nguyện của nhiều người không được đáp lại vì họ không từ bỏ tội trọng. Vì họ làm ô uế miệng mình bằng những lời nguyền rủa và lời phạm thánh. Hoặc vì họ không cầu nguyện với đức khiêm nhường và sự chú ý. Thật đáng buồn, biết bao người cầu nguyện một cách hời hợt và thiếu tôn kính, và do đó xứng đáng bị trừng phạt thay vì được trao ban những lời cầu xin của họ.
“Một người cầu nguyện một cách hời hợt”, như thánh Bernard nói, “và vẫn mong lời cầu nguyện của mình được Thiên Chúa lắng nghe, giống như một người đổ hạt thóc xấu vào cối xay và mong nhận được bột ngon.” Cho dù ta cầu nguyện một mình hay với người khác, chúng ta luôn phải cầu nguyện với đức khiêm nhường, lòng sùng kính và sự tôn trọng thích hợp. Khi cầu nguyện chung, việc đọc lướt các kinh cầu nhanh nhất có thể là không đúng đắn. Biết bao người không hề nghĩ gì về Thiên Chúa khi họ vội vàng đọc một số lượng nhất định các kinh Lạy Cha hay Kính Mừng. Như một quy tắc, một người không thể có lòng sùng kính trong những lời cầu nguyện vội vàng như vậy.
Những ai không cầu nguyện cách chậm rãi và đúng đắn, không chỉ tước đi niềm an ủi và hoa trái thiêng liêng từ những người khác. Họ còn tước đi vinh quang xứng đáng với Thiên Chúa, và tự tách rời mình khỏi những lợi ích của lời cầu nguyện sốt sắng.
Chúng ta không bao giờ dám trình bày những lời cầu xin của bản thân một cách vội vàng, thiếu suy nghĩ, trước một bậc bề trên, cả mặt Giáo hội lẫn mặt thế tục. Chúng ta sẽ nghiêm cấm những người dưới quyền tiếp cận chúng ta với thái độ như vậy. Thế thì, chúng ta càng nên tránh xa việc đối diện với Thiên Chúa theo cách bất tôn như vậy!
Công nghiệp của việc cầu nguyện
Hiệu quả của việc cầu nguyện thật vĩ đại và kỳ diệu biết bao. Nhờ lời cầu nguyện, ta đạt được thắng lợi trên tội lỗi và Satan. Hầu như mọi nhân đức và ân sủng đều có thể đạt được nhờ việc cầu nguyện.
Ơn lớn nhất trong tất cả các ơn – tức ơn kiên trì đến cùng – phụ thuộc vào việc cầu nguyện. Trong mọi thử thách, gian truân, và nhu cầu, chúng ta nên cầu nguyện lên Thiên Chúa. Ngay cả trong các vấn đề thế tục, chúng ta cũng nên tin tưởng cầu xin sự trợ giúp của Người.
Bên cạnh đó, công nghiệp của lời cầu nguyện cũng thật vĩ đại và vinh quang. Chính Chúa Giêsu dạy rằng việc cầu nguyện mang lại công đức khi Người nói: “Khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của ngươi, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của ngươi, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho ngươi.”
Thánh Bonaventure tuyên bố: “Vào bất kỳ giờ phút nào, con người có thể đạt được nhiều hơn bởi lời cầu nguyện khiêm tốn, hơn là toàn thế giới có thể trao cho anh ta.”
Tuy nhiên, lời cầu nguyện chỉ có công đức nếu được thực hiện trong tình trạng ân sủng và vì lòng yêu mến Thiên Chúa, vì chúng ta không thể đạt được công nghiệp trên Thiên Đàng nếu không ở trong tình trạng ân sủng. Tại sao lại vậy? Bởi vì người đang trong tội trọng không trong hiệp nhất với Đức Kitô, và đây là điều kiện chính để có thể đạt được công đức. “Như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, thì các ngươi cũng thế, nếu không ở lại trong Ta.”
Khi ta thiếu đi tình yêu và ý định tốt lành, ta cũng thiếu đi sự liên kết với Thiên Chúa. “Không có Ta, các ngươi không thể làm được gì,” Chính Thiên Chúa đã nói – nghĩa là không thể làm gì mang lại công nghiệp trên Thiên Đàng.
Qua lời cầu nguyện, chúng ta đạt được trước hết sự gia tăng ơn thánh hóa, và thứ hai là sự gia tăng vinh quang trên Thiên Đàng.
Sự tăng trưởng ơn thánh hóa
Với mỗi một việc lành được thực hiện trong tình trạng ân sủng, chúng ta xứng đáng nhận được sự gia tăng ơn thánh hóa.
Cầu nguyện là một việc lành, một hành động công đức – vì tự nó bao hàm nhiều nhân đức khác nhau. Trong lời cầu nguyện, chúng ta dâng lên Thiên Chúa lòng tôn vinh và kính trọng sâu sắc. Chúng ta ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa như Vị Vua của Vinh quang Vô ngần, như Đấng Sáng tạo Trời và Đất. Chúng ta dự phần vào lời ngợi ca “Thánh, Thánh, Thánh” của các Thiên Thần. Tất cả những hành động này đều là vô cùng quý giá trong mắt Thiên Chúa.
Hơn nữa, cầu nguyện là việc thực hành đức tin, đức cậy và đức mến, là việc thực hành đức khiêm nhường, lòng biết ơn, là biểu hiện của sự tin cậy và phó thác vào Thánh Ý Thiên Chúa. Vô vàn hành động nhân đức được bao hàm trong lời cầu nguyện sốt sắng!
Ta có thể nói rằng cầu nguyện là việc lành tốt đẹp nhất trong tất cả các việc lành, vì không có việc lành nào bao hàm nhiều hành động nhân đức như vậy. Và không việc lành nào khiến Thiên Chúa được tôn vinh và ca ngợi nhiều hơn. Nếu như việc ăn chay và bố thí khiến ơn thánh hóa được gia tăng, thì việc cầu nguyện sốt sắng phải làm gia tăng ơn thánh hóa trong linh hồn chúng ta biết bao?
Sự gia tăng ơn thánh hóa là một món quà cực kỳ quan trọng. Có gì còn có thể quý giá hơn Máu của Chúa Kitô? Một giọt Bảo Huyết của Người vượt trội trên tất cả mọi kho tàng của thế gian này, và chính Máu của Chúa Kitô là cái giá cho ơn thánh hóa!
Các vị thánh đạt được hạnh phúc đời đời hoàn toàn và chỉ nhờ vào ơn thánh hóa – và những kẻ bị luận phạt sẽ phải chịu những hình phạt kinh hoàng đời đời vì thiếu đi ân sủng.
Ân sủng thật quý giá biết bao! Nó biến ta trở thành con Thiên Chúa. Biến đổi triệt để linh hồn chúng ta. Nâng phẩm giá chúng ta lên hàng vương giả trên thiên đàng. Khiến chúng ta được dự phần vào thế giới thiêng liêng. Đây là phần thưởng cao cả mà chúng ta xứng đáng nhận được nhờ việc cầu nguyện. Chúng ta không nên thật vui mừng khi cầu nguyện sao, vì phần thưởng là vô cùng lớn lao.
Sự tăng trưởng vinh quang trên Thiên Đàng
Qua việc cầu nguyện, chúng ta xứng đáng có được sự sống đời đời và được gia tăng vinh quang trên Thiên Đàng. Như đã nói, việc cầu nguyện tác động vào sự gia tăng ơn thánh hóa – và điều này gia tăng vinh quang của chúng ta trên Thiên Đàng! Ơn thánh hóa và hạnh phúc thiên đàng kết nối chặt chẽ với nhau. Cấp bậc vinh quang của chúng ta trên Thiên Đàng sẽ tương ứng chính xác với ơn thánh hóa của chúng ta. Mỗi cấp bậc ơn thánh hóa sẽ được ban thưởng tương ứng với cấp bậc vinh quang.
Trên Thiên Đàng, mỗi người sẽ được thưởng theo việc làm của mình. Mỗi người sẽ được trả công theo việc làm. Ai gieo ít sẽ gặt ít, và ai gieo nhiều sẽ gặt nhiều.
Một lời cầu nguyện tốt luôn giúp gia tăng vinh quang trên Thiên Đàng – miễn là người cầu nguyện ở trong tình trạng ân sủng. Lợi ích này tuyệt đối vô giá, vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Ngay cả cấp bậc vinh quang thấp nhất cũng là một kho báu vô ngần.
Sau khi Thánh Têrêsa nhận ra, qua mặc khải từ Thiên Chúa, sự khác biệt lớn lao giữa các cấp bậc vinh quang và hạnh phúc trên Thiên Đàng, bà đã không ngần ngại khẳng định: “Nếu được quyền chọn lựa, giữa việc phải chịu đựng mọi đau khổ có thể tưởng tượng được đến tận cùng thời gian, qua đó đạt được một cấp bậc vinh quang cao hơn – hoặc, mà không gặp phải bất cứ đau khổ gì, sở hữu một cấp bậc hạnh phúc thấp hơn trên Thiên Đàng, tôi sẽ hết lòng chọn lựa việc phải chịu đựng và đạt được cấp bậc hạnh phúc cao hơn ấy!”
Điều gì tạo nên cấp bậc vinh quang cao hơn?
Hạnh phúc cốt yếu của những người được tuyển chọn nằm trong vinh phúc trực quan. Trên Thiên Đàng, chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Hạnh phúc cốt yếu của những người được chọn, theo Thánh Tôma Aquinô, là việc được nhìn thấy rõ ràng Bản Thể Thiên Chúa. Đây là một đặc ân vô cùng vĩ đại, và vì vậy không có gì tốt hơn có thể tồn tại – giống như không gì tốt hơn Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô thành Assisi đã khích lệ chính mình trong những thử thách bằng cách nói: “Vinh quang vĩnh cửu mà tôi mong đợi lớn lao đến mức tôi vui vẻ chịu đựng mọi đau khổ, mọi bệnh tật, mọi lời vu khống, mọi sự bách hại có thể đến với tôi.”
Thánh Vincentê Phêrê đã tuyên bố: “Vinh quang trên Thiên Đàng lớn lao đến mức mọi đau khổ trong cuộc sống này – thậm chí tất cả những tra tấn mà các vị tử đạo phải chịu đựng – cũng không phải là một giá đủ lớn, không nói đến Thiên Đàng, mà ngay cả một giờ hạnh phúc trên Thiên Đàng cũng không đủ.”
Nếu cần thiết phải chết một ngàn lần trong một ngày để được ghi tên vào sách sự sống, để xứng đáng nhìn thấy Chúa Giêsu trong Vinh Quang của Người – Thánh Gioan Kim khẩu khẳng định – mỗi người nên sẵn sàng chịu đựng tất cả những đau khổ này để trở nên xứng đáng với một điều tốt lành vĩ đại như vậy.
Vinh phúc trực quan sẽ được ban cho những người được chọn, những người được trang hoàng với cấp bậc vinh quang thấp nhất. Những người cuối cùng trong Nước Thiên Chúa sẽ sáng chói như mặt trời, mà khi đó mặt trời sẽ sáng chói gấp bảy lần hiện nay, như Thánh Augustinô đã nói.
Một cấp bậc vinh quang cao hơn bao gồm một mức độ hiểu biết và tình yêu Thiên Chúa cao hơn, cũng như trở nên giống Người hơn. Cấp bậc vinh quang càng cao, sự hiểu biết càng sâu sắc… tình yêu Thiên Chúa càng thân thiết… việc trở nên giống với Người càng hoàn hảo. Mỗi cấp bậc gia tăng đưa chúng ta đến gần hơn với Ngai Vị của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Với mỗi một cấp bậc gia tăng, thì vinh quang, niềm vui, và hạnh phúc của chúng ta lại càng được tăng thêm. Nếu ngay cả những cư dân thấp nhất trong Nước Thiên Chúa – những người được trang hoàng chỉ bởi một tia sáng và vinh quang duy nhất – cũng đã chìm đắm trong vô tận những hạnh phúc và hoan lạc, thì vinh quang và niềm vui của những vị thánh được trang hoàng với hàng vạn cấp độ vinh quang này phải lớn lao đến dường nào?
Ngay cả một lời cầu nguyện sốt sắng – một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng – cũng có thể làm gia tăng hạnh phúc tương lai của chúng ta thêm một hoặc nhiều cấp bậc. Bao nhiêu cấp bậc vinh quang khi một người lãnh nhận Mình Thánh Chúa cách yêu thương, hoặc tham dự vào Thánh lễ trong sự hiệp nhất mật thiết với Người, có thể đạt được?
Xét về những lợi ích vô giá này, vì sao chúng ta lại không yêu mến việc cầu nguyện? Liệu chúng ta không nên dâng tất cả hành động của mình lên Thiên Chúa bằng một ý định tốt và vì tình yêu Người mà kiên nhẫn chịu đựng mọi thử thách và đau khổ trong cuộc sống này sao?
Một suy ngẫm an ủi khác
Hãy suy ngẫm về điều này. Mỗi cấp bậc vinh quang mà tôi đạt được là của tôi, không ai có thể lấy đi được. Chỉ có tội trọng mới làm mất đi điều đó. Tôi không thể cho đi hay nhường nó cho người khác, dù tôi có muốn làm như vậy. Như sự gia tăng ơn thánh hóa là công trạng của tôi, thì mỗi cấp bậc vinh quang tôi đạt được là sở hữu riêng của tôi. Ngay cả những sự thiếu sót hàng ngày hay tội nhẹ cũng không làm giảm đi cấp bậc này.
Các vị thánh đã phải xuống Luyện Ngục để đền tội cho những thiếu sót của họ, và những tội nhân đôi khi đã được đưa vào niềm vui thiên đàng sau một thời gian ngắn chịu đựng trong ngọn lửa tinh luyện. Nhưng các vị thánh đã được nâng lên một cấp bậc vinh quang vô cùng cao, trong khi những tội nhân có thể chỉ đạt được một vài cấp bậc.
Thật là một suy ngẫm an ủi biết bao! Thật đáng vui mừng biết bao khi hiểu rằng qua việc cầu nguyện, chúng ta có thể dễ dàng đạt được một cấp bậc hạnh phúc vĩnh cửu cao hơn. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Không chỉ các linh mục và tu sĩ, mà còn cả những người cha bận rộn, những bà mẹ vất vả, những người buôn bán và lao động, trẻ em và người già. Cả những người khỏe mạnh và những người đau ốm. Tất cả đều có thể cầu nguyện – vào mọi giờ trong ngày và đêm.
Một lời nguyện tắc sốt sắng, một hành động phó thác vào Thánh Ý Chúa, sẽ làm gia tăng ân sủng thánh hóa và từ đó cũng làm tăng vinh quang thiên đàng của chúng ta. Tình yêu với Thiên Chúa và tình yêu với linh hồn của chính mình nên thúc giục chúng ta cầu nguyện thường xuyên. Cầu nguyện một cách sốt sắng. Cầu nguyện cách vui vẻ.
Chao ôi, để gia tăng những lợi ích tạm, chúng ta không cho phép mình ngơi nghỉ ngày đêm. Nhưng khi liên quan đến những việc đời đời – khi hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta đang bị đe dọa – chúng ta lại lười biếng, thờ ơ biết bao! Nếu có thể hối tiếc, các vị thánh trên thiên đàng sẽ phải cực kỳ hối tiếc vì nghĩ rằng họ có thể dễ dàng đạt được nhiều cấp bậc vinh quang cao hơn, nếu họ đã không lãng phí vì bất cẩn nhiều cơ hội khi còn sống.
Tuy nhiên, chính nhờ việc cầu nguyện mà các vị thánh có được ân sủng, mà qua đó họ trở thành thánh. Chính qua việc cầu nguyện, chúng ta cũng sẽ được cứu rỗi, đạt đến sự thánh thiện, và một cấp bậc tình yêu thiêng liêng cao hơn.
Ôi, chúng ta hãy cầu nguyện thường xuyên! Hãy cầu nguyện khi chúng ta còn thời gian! Hãy chạy đua khi chúng ta còn ánh sáng của sự sống, để bóng tối của cái chết không bao trùm chúng ta. Hãy tích lũy kho tàng cho sự sống đời đời! Vì thời gian sẽ nhanh chóng kết thúc và khi đó sẽ không còn thời gian nữa.
Vì cả với chúng ta, đêm trường sẽ đến mà khi đó không ai có thể làm lụng thêm nữa!
Cách chúng ta nên cầu nguyện
Một tội nhân nên cầu nguyện với một trái tim ăn năn. Một người đang trong tình trạng tội trọng, và không sẵn lòng từ bỏ con đường tội lỗi của mình, là kẻ thù của Thiên Chúa. Để việc cầu nguyện có hiệu quả, kẻ ấy phải thật sự ăn năn về tội lỗi của mình, và quyết tâm cải thiện cuộc đời.
Do đó, Thánh Augustinô khuyên chúng ta như sau: Trước tiên, chúng ta phải khóc, rồi mới cầu nguyện. Lời cầu nguyện từ miệng kẻ xấu, theo Thánh Bonaventure, không phải là lời khẩn cầu của một người đang cầu nguyện - mà là tiếng rít của một con rắn.
Tuy nhiên, nếu một người phạm tội do bản chất yếu đuối của con người, hoặc vì thiếu suy nghĩ, theo Thánh Alphonsô, và than thở về sự khốn khổ của mình và khao khát được giải thoát khỏi điều đó… Nếu anh ta cầu xin Thiên Chúa cởi bỏ xiềng xích tội lỗi, thì anh ta có thể yên tâm rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của anh ta. Chính Chúa Giêsu đã phán: Ai xin sẽ nhận được, dù là người công chính hay tội lỗi.
Thánh Augustinô hỏi: Nếu Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của tội nhân, thì có ích gì cho người thu thuế khi ông ta cầu xin lòng thương xót? Khi chúng ta cầu xin ân sủng, Thánh Tôma nói, ta không nhất thiết phải là bạn của Thiên Chúa trước đó - chính lời cầu nguyện sẽ làm chúng ta trở thành bạn của Người!
Theo lời Thánh Gioan Chrysostom, không tội nhân ăn năn nào đã cầu xin ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa trong vô ích. Người bảo đảm với chúng ta điều này. “Hãy đến cùng Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Vậy thì ai nên đến – phải chăng chỉ những người công chính? KHÔNG! Không phải người khỏe mạnh, mà là người bệnh, mới cần thầy thuốc. Do đó, lời mời gọi của Thiên Chúa ở đây đặc biệt dành cho những tội nhân. Từ “gánh nặng” được các Giáo phụ giải thích là chỉ những tội nhân đang rên rỉ dưới gánh nặng tội lỗi của mình – những người tìm nơi trú ẩn trong Thiên Chúa để được hoán cải và nhận được ơn cứu độ.
Chỉ có những tội nhân không ăn năn, những kẻ tiếp tục sống trong tình trạng tội trọng – những kẻ yêu thích tội lỗi của mình – sẽ không được lắng nghe lời cầu nguyện.
Thiên Chúa quá muốn tha thứ cho tội nhân đến nỗi Người than vãng về sự hư mất của họ khi họ rời xa Người và sống như thể đã chết đối với ân sủng của Người. Người gọi họ với tình yêu thương, nói: “Hãy trở lại, hãy bỏ đường dữ các ngươi theo mà trở lại! Tại sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Israel?” (Ezekiel 33:11)
Người hứa sẽ đón nhận linh hồn đã từ bỏ Người ngay khi họ quay lại với tình thân của Người: “Hãy trở lại với Ta – và Ta sẽ quay lại với các ngươi.” (Zechariah 1:3)
Ôi, nếu các tội nhân biết Thiên Chúa đang đợi chờ họ với lòng thương xót như thế nào, đặng có thể tha thứ cho họ! Thiên Chúa đã chờ đợi để Người có thể thương xót mọi người. Nói một cách khác, Người đã tuyên bố rằng khi một người ăn năn vì đã xúc phạm Người, Người sẽ quên tất cả tội lỗi của người đó. “… các lỗi lầm của ngươi, Ta sẽ không còn nhớ nữa.” (Isaiah 43:25)
Ngay khi ta phạm phải một lỗi lầm, hãy ngước mắt lên Thiên Chúa. Hãy thực hiện một hành động yêu thương. Và với việc xưng tội trong đức khiêm nhường, hãy hy vọng chắc chắn vào sự tha thứ của Người. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và ân sủng, kiên nhẫn và đầy lòng bao dung, sẽ cho ta nghe lời Người đã nói với bà Magdala ăn năn: “Tội lỗi của ngươi đã được tha thứ.” Và Người sẽ ban cho ta sức mạnh để trung thành với Người trong những ngày sắp tới.
Nếu lời cầu nguyện của tội nhân có thể xuyên qua bầu trời, thì lời cầu nguyện của những linh hồn công chính và đạo đức sẽ được Thiên Chúa tiếp nhận và trân trọng biết bao!
Chúng ta phải cầu nguyện với đức khiêm nhường! “Chúng ta phải cầu nguyện với khiêm nhường”, viết bởi Thánh Bernadino thành Siena. Đức khiêm nhường phải sống trong tâm hồn ta và thể hiện ra bên ngoài, vì nếu chỉ cúi đầu và đập ngực mà người cầu nguyện không cúi lòng mình và khiêm nhường trong nội tâm, thì hành động bên ngoài cũng chẳng có ích gì.
Thiếu đi đức khiêm nhường, ta không thể có nhân đức
Khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Thiên Chúa kháng cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ân sủng cho người khiêm nhường. Đức tin của một Kitô hữu hoàn toàn là đức khiêm nhường, như thánh Augustinô tuyên bố.
Điều này được Thiên Chúa dạy rõ ràng qua dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế. Mọi người đều yêu thích những người khiêm nhường, và Thiên Chúa yêu mến lời cầu nguyện khiêm nhường từ một trái tim khiêm tốn. Lời cầu nguyện như thế chắc chắn sẽ được nghe. “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng.”
Và trong sách Thánh Vịnh, chúng ta đọc: “Kẻ khiêm nhường khẩn cầu, Người sẽ ghé lại, và không khinh màng lời nó khẩn cầu.” Dù chúng ta đã phạm nhiều tội, nhưng những lời trong kinh Xin xót thương vẫn mãi mãi là sự thật: “Một trái tim ăn năn khiêm nhường, Người sẽ chẳng khinh chê.”
Càng cầu nguyện khiêm nhường bao nhiêu, chúng ta càng chắc chắn được nghe lời cầu nguyện, và ân sủng mà chúng ta nhận được càng lớn lao, vì Thiên Chúa là đấng vô cùng rộng lượng.
Thiên Chúa một lần đã mặc khải cho thánh Catherine thành Siena: “Con hãy biết rằng, kẻ nào kiên trì cầu nguyện xin cho ân sủng trong khiêm nhường sẽ đạt được mọi nhân đức.”
Lời cầu nguyện của thánh Philip Neri thật khiêm nhường biết bao! Mỗi sáng, Người đều cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giữ con trong ngày hôm nay, nếu không, con sẽ phản bội Người!”
Ngay cả Con Thiên Chúa cũng tự Người khiêm nhường một cách sâu sắc, khi trong Vườn Cây Dầu Người đã cầu nguyện với Chúa Cha: Người quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện. Người xấp mặt và cầu nguyện. Và Người đã làm điều này ba lần liên tiếp.
Khi cầu nguyện, dù đứng hay quỳ, chúng ta nên nghiêm túc chấp tay, nhắm mắt hoặc hướng mắt về phía bàn thờ. Hãy trò chuyện với Thiên Chúa trong một tư thế khiêm nhường và kính trọng – hãy nhớ đến lời cầu nguyện của Người trong vườn Gethsemane.
Caesarius, Giám mục thành Arles, khi suy ngẫm về Đức Chúa Giêsu cầu nguyện đã thốt lên: “Lòng thương xót khẩn cầu, nhưng kẻ khốn khổ lại không cầu nguyện! Đấng Toàn năng cúi mình, nhưng kẻ ác lại không muốn quỳ! Đức Thánh thiện khiêm nhường chạm đất, nhưng kẻ tà ác lại không thèm chấp tay! Vị Thầy thuốc quỳ lụy trong đất bụi và cầu nguyện suốt đêm, nhưng kẻ đau ốm không chịu cúi mình! Thẩm phán của chúng ta cầu nguyện và xin ân sủng, nhưng kẻ có tội lại không xin ơn tha thứ!”
Thánh Bernard nói: “Nếu quả thật có hàng ngàn thiên thần phục sự Đức Chúa, và hàng trăm ngàn thiên thần đứng trước Người – thì con người hèn mọn phải nên khiêm nhường và kính trọng biết bao, khi muốn tiếp cận với Thiên Chúa!”
Chúng ta quả thật phải nên hạ mình trước Nhan Thiên Chúa, nhưng điều này không nên cản trở chúng ta đối xử với Người bằng tình yêu thương và sự tin tưởng thuần khiết như trẻ thơ. Như thánh Alphonsô đã nói: “Người là sự vĩ đại vô cùng, nhưng đồng thời Người cũng là đấng tốt đẹp vô hạn, là tình yêu vô cùng. Trong Thiên Chúa, chúng ta có Đấng Tối Cao và Vị Chủ Tể tuyệt đối. Nhưng chúng ta cũng có Người, Đấng yêu thương chúng ta với tình yêu lớn lao nhất có thể. Người không chê bai nhưng vui thích khi chúng ta thể hiện đối với Người lòng tin tưởng ấy – sự tự do và dịu dàng – mà trẻ nhỏ thể hiện đối với cha mẹ.”
Chúng ta phải cầu nguyện với sự nhiệt thành và chú ý.
Chúng ta cầu nguyện với lòng nhiệt thành nếu chúng ta cầu nguyện với cả trái tim, với cả linh hồn, với sự nghiêm túc và sự chú ý. Đôi mắt phải cầu nguyện. Đôi môi phải cầu nguyện. Tấm lòng phải cầu nguyện. Nói một cách khác, toàn bộ con người chúng ta phải cầu nguyện.
Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta: “Trước khi cầu nguyện, hãy dọn linh hồn ngươi! Và đừng như một người thử thách Đức Chúa.” (Huấn Ca 18:23) Và chúng ta hãy lắng nghe những gì các vị thánh đã nói về vấn đề này.
Lời cầu nguyện nên đến từ trái tim, chứ không phải chỉ từ miệng lưỡi mà thôi. Lời cầu nguyện phải đến từ linh hồn – phải đến từ những cảm xúc sâu thẳm nhất trong trái tim. “Nhiều tình yêu,” Thánh Augustinô nói, “chứ không phải nhiều lời khi ngươi cầu nguyện.”
Chúng ta phải cầu nguyện với lòng tin cậy
Thiên Chúa đã long trọng hứa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện được nói với lòng tin cậy. “Tất cả những gì các ngươi cầu xin, các ngươi cứ tin là mình đã được rồi, và chúng sẽ đến với các ngươi.” (Máccô 11:24)
Thiên Chúa không hài lòng với sự thiếu niềm tin từ những linh hồn thực sự yêu mến Người, và đồng thời được Người yêu thương vô cùng. Do đó, nếu ta muốn làm đẹp lòng Trái Tim yêu thương của Người, hãy trò chuyện với Người trong tương lai với sự tự tin và triều mến nhất có thể.
“Ta đã khắc ngươi trên bàn tay Ta”, Thiên Chúa nói – qua miệng ngôn sứ Isaia. Linh hồn yêu dấu, Người muốn nói, ngươi sợ gì hoặc không tin tưởng gì? Ta đã viết tên ngươi trong tay Ta, đặng sẽ không bao giờ quên làm điều tốt lành cho ngươi.
Ai cầu nguyện với đức tin và lòng tin cậy có thể mong đợi sự thành công trong việc mình cầu xin. Thiên Chúa thường tiết lộ cho Thánh Gertrude niềm vui mừng của Người đối với một linh hồn đầy lòng tin tưởng, và một lần Người đã nói: “Một người cầu nguyện với đầy lòng tin tưởng thực sự đang ép buộc Ta, đến độ Ta phải ban cho nó mọi điều nó yêu cầu.”
Một lần khác, sau khi cầu nguyện nhiệt thành cho một ý định cụ thể, Thánh Gertrude đã hỏi: “Lạy Chúa, con phải thêm gì vào những lời cầu nguyện này để khiến chúng hiệu quả hơn?” Chúa Giêsu, với một khuông mặt mặt đầy triều mến, đáp: “Chỉ lòng tin cậy thôi là đủ để có được tất cả mọi điều.”
Lòng tin cậy là đặc điểm nổi bật trong cuộc sống của Thánh Gertrude. Và bà thường nói: “Mọi điều tôi nhận được đều đến từ lòng tin tưởng vào ân huệ vô điều kiện từ Thiên Chúa.”
Sau đây là một trong những mặc khải khác của Thánh Gertrude, cho thấy sự ưng thuận của Chúa Giêsu đối với lòng tin tưởng này. Thiên Chúa nói: “Mặc dù Ta vui mừng với tất cả những gì được làm vì vinh quang của Ta – như việc cầu nguyện, ăn chay, lễ vọng, và những việc đạo đức khác – nhưng thật sự, lòng tin cậy mà những kẻ được tuyển chọn có khi kêu cầu Ta trong sự yếu đuối của họ lại khiến Ta cảm động hơn nhiều.”
Chính sự thật này cũng được Thiên Chúa khắc sâu vào lòng Thánh Mechtilde. “Theo mức độ đức tin và hy vọng vững chãi mà một người mong đợi nhận được từ Lòng Nhân Từ và Lòng Xót Thương của Ta, người ấy sẽ nhận được nhiều hơn vô cùng. Vì Ta không thể từ chối người nào kiên vững trong niềm tin và mong đợi.” Những lời an ủi biết bao!
Cũng khích lệ không kém là lời nhận xét của Thánh Bernard: “Lòng tin tưởng của chúng ta quyết định mức độ ân sủng mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa. Nếu lòng tin của chúng ta thật lớn lao, chúng ta sẽ nhận được những ân sủng lớn lao, vì ân sủng là một suối nguồn vô tận. Ai mang đến nơi đây chiếc bình của lòng tin tưởng sẽ hứng từ đó sự sung túc vô ngần.”
Thánh Augustinô nói: “Làm sao chúng ta có thể sợ rằng những lời cầu xin của chúng ta sẽ không được đáp lại khi chính Chân lý Vĩnh cửu đã hứa sẽ lắng nghe những ai cầu xin?” Và Thánh Tôma Aquinô: “Lòng tin cậy trong cầu nguyện không nên dựa vào công nghiệp của chính mình, mà vào lòng thương xót của Thiên Chúa và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.” Theo ông, chính lòng tin cậy chứ không phải sự thánh thiện của con người tạo nên hiệu quả của lời cầu nguyện.
Chúng ta phải cầu nguyện với sự kiên trì
Rất nhiều lần và trong một khoảng thời gian dài, bạn đã cầu nguyện. “Bạn đã thu được lợi ích gì từ những lời cầu nguyện của bạn? Đừng cầu nguyện nữa! Thật vô ích! Bạn sẽ không bao giờ được nghe thấy. Tất cả đều vô nghĩa!” Đừng nghe theo lời của ma quỷ, hay tự mình than van! Hãy đặt niềm tin vào lòng nhân từ và lòng xót thương của Thiên Chúa. Hãy tiếp tục cầu nguyện một cách khiêm nhường và đầy niềm tin, và thực sự bạn sẽ không bị thất vọng.
Hãy xin, Thánh Augustinô khuyên dạy. Hãy xin, và nếu điều bạn cầu xin không được ban cho, thì hãy tìm kiếm! Nếu điều bạn tìm kiếm không được đáp ứng, thì hãy gõ cửa!
Ta phải đợi bao lâu? Có thể là 3 tháng. Hãy lấy ví dụ từ Thánh Monica, mẹ của Thánh Augustinô. Không phải ba tháng. Không chỉ ba năm. Mà là gần 20 năm, bà đã cầu nguyện cho con bà, cho đến khi lời cầu xin được chấp thuận. Và Augustinô đã được hoán cải.
Thường thì Thiên Chúa không đáp ứng ngay lập tức những lời khẩn cầu của chúng ta, là để tăng thêm công trạng của chúng ta. Bởi vì qua lời cầu nguyện, ơn thánh hóa và vinh quang trên Thiên Đàng của chúng ta được gia tăng. Những lời cảm động của Chúa Giêsu với Thánh Gertrude trong một dịp sau, cho thấy rằng Người trì hoãn trả lời với lòng thương xót để ban cho chúng ta phần thưởng lớn hơn.
Những người dân lân cận tu viện của Thánh Gertrude đang phải ưu sầu vì thời tiết xấu. Bà và các nữ tu đã van xin Thiên Chúa giảm bớt những thử thách, nhưng không nhận được kết quả tốt từ những lời cầu nguyện của họ. Bà thánh liền thưa với Người: “Làm sao Người có thể bỏ mặc nguyện vọng của vô vàn người trong một thời gian dài như vậy, trong khi chỉ có mình con, nhờ lòng tin của con, đã nhận được ân sủng từ lòng thương xót của Người, điều mà còn quý giá hơn rất nhiều lần?”
Chúa Giêsu đã ban cho bà câu trả lời này: “Liệu có đáng ngạc nhiên không nếu một người cha để cho con mình phải xin ông ấy trong thời gian dài một món tiền, khi ông đã quyết định sẽ cho người con một trăm đồng bạc mỗi lần nó cầu xin? Các con cũng đừng ngạc nhiên nếu Ta nay trì hoãn việc đáp ứng lời cầu xin của các con. Bởi vì mỗi khi các con kêu gọi Ta giúp đỡ bằng một lời hay một suy nghĩ nhỏ nhất, Ta chuẩn bị cho các con những ơn phúc vĩnh cửu, mà những ơn này quý giá hơn vô vàn lần so với điều các con yêu cầu.”
Thiên Chúa muốn chúng ta khẩn cầu Người, như Thánh Grêgôriô đã nói. Người muốn chúng ta ép Người phải ban ơn. Người muốn bị chinh phục bởi sự kiên trì. Chính Người cũng đã dạy chúng ta điều này qua một dụ ngôn. “Ai trong các ngươi có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’. Người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Đừng quấy rầy tôi; cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi. Tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ Ta nói với các ngươi, dù người bạn đó sẽ không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.” (Luca 11)
Vì vậy, Thánh Hilary đã nói: “Việc nhận được ân sủng phụ thuộc phần lớn vào lòng kiên trì trong việc cầu nguyện. Cầu nguyện kiên trì là chìa khóa mở ra tất cả các kho báu nước trời, và chìa khóa này có sẵn cho mọi người.”
Chúng ta phải cầu nguyện với sự phó thác vào Thánh Ý Chúa
Chúa Giêsu là mẫu gương hoàn hảo nhất cho chúng ta, không chỉ trong mọi nhân đức mà còn trong việc cầu nguyện. Vì thế, chúng ta nên bắt chước hành động của Người. Trong cơn khổ nạn, Người đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, mà hãy theo ý Cha.”
Điều kiện phải phù hợp với Thánh Ý Chúa không bao giờ được thiếu trong những lời cầu xin của chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Có một lần, Thánh Phanxicô Borgia đã khẩn cầu với Thiên Chúa hãy kéo dài mạng sống của vợ ông, người đang bị bệnh nặng. Khi ông nài xin tha thiết cho ơn này, một tiếng nói từ Trời vang lên bên tai ông: “Ước nguyện của con sẽ được chấp nhận, nhưng đó không phải là điều tốt cho con.” Ông Phanxicô Borgia đã rơi lệ và thốt lên: “Xin cho Ý Người được thể hiện, lạy Chúa, chứ không phải ý con! Nếu điều đó đẹp lòng Người, xin đừng chỉ lấy đi vợ con mà còn cả những đứa con của con và cả chính con nữa.” Thiên Chúa đã gọi vợ và con gái ông về với Người qua cái chết. Ông Phanxicô Borgia đã trở thành một vị thánh, và là một Bề trên Tổng quyền xuất sắc của Dòng Tên.
Một lần, Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh Gertrude, trong tay phải Người là sức khỏe và trong tay trái là bệnh tật. Người nói: “Con yêu dấu, hãy chọn điều con muốn.” Thánh Gertrude đã chọn gì? Sức khỏe? Không. Bệnh tật? Không. Không thể quyết định điều gì là tốt hơn cho mình, bà chỉ đáp lại: “Lạy Chúa, xin cho Ý Người được thể hiện, chứ không phải ý con.”
Tuy nhiên, mỗi khi có nhu cầu thiêng liêng, ví dụ, để chinh phục những cảm xúc mất khống chế, để nhận được sự tha thứ cho tội lỗi, để được tiến bộ trong nhân đức, để tăng trưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và ơn kiên trì – chúng ta có thể cầu xin không điều kiện. Trong trường hợp này, ý chí của chúng ta không thể trái ngược với Thánh Ý Chúa. Chúng ta phải cầu xin nhân danh Chúa Giêsu.
Con Thiên Chúa đã hứa một cách rõ ràng – có thể nói, bằng một lời thề trọng– rằng Người sẽ ban ơn cho những lời cầu nguyện của chúng ta nếu được dâng lên trong danh Người. “Amen, amen, Ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi xin gì cùng Chúa Cha nhân danh Ta, Người sẽ ban cho các ngươi.” (Gioan 16:23) Qua những lời này, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: “Đừng do dự. Hãy đến với Cha Ta và dâng lên Cha Ta những lời cầu xin của các ngươi. Đúng vậy, các ngươi không xứng đáng được lắng nghe, nhưng Ta thì xứng đáng. Hãy nhắc đến Ta và công trạng của Ta, và Ta sẽ nâng đỡ lời cầu xin của các ngươi trước ngai Cha Ta.”
Với niềm tin vào công trạng của Chúa Kitô, chúng ta có thể tự tin đến gần Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu, và nói với Người: “Lạy Thiên Chúa của con, xin ban cho con ơn này! Xin đừng nhìn vào sự không xứng đáng của con, nhưng xin hãy nhìn vào Đức Kitô của Người! Vì công nghiệp Con Người. Vì cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Người. Vì Máu Quý giá của Người đã đổ ra vì con, và vì những Vết Thương Thánh của Người: xin hãy nghe con, lạy Cha Nhân Lành.”
Liệu Chúa Cha có lắng nghe chúng ta không? Có, Người sẽ lắng nghe. Người không thể làm khác. Người phải nghe lời Con Một Yêu Dấu của Người.
Ôi, chúng ta thật hạnh phúc biết bao khi được thuộc vào Giáo hội Công giáo – vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô đã được gửi gắm nơi Hội thánh chân thật, và thuộc quyền nơi những người con của Giáo hội. Nếu chúng ta cầu xin công trạng của Chúa Giêsu Kitô, và kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Người, thì lời cầu nguyện của chúng ta trở thành lời cầu nguyện của Chúa Kitô. Hãy cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu. Giáo hội làm gương cho việc này. Giáo hội mong đợi mọi sự từ Thiên Chúa, nhưng chỉ qua Chúa Giêsu. Đây là lý do tại sao Giáo hội kết thúc mọi lời cầu nguyện với những lời: “Chúng con cầu xin, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa cùng là Chúa chúng tôi, Đấng hằng sống hằng trị làm một cùng Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.”
Thánh Alphonsô Liguori khuyến khích chúng ta thực hành điều này khi Người nói: “Hãy cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu. Hãy kêu cầu Danh Chúa Giêsu khi chúng ta đang khổ đau; Người sẽ an ủi chúng ta. Trong cơn cám dỗ, hãy gọi tên Chúa Giêsu. Người sẽ ban sức mạnh giúp ta chống lại mọi kẻ thù. Nếu tình yêu của chúng ta trở nên lạnh lẽo và khô cằn, hãy kêu cầu Chúa Giêsu. Người sẽ thắp sáng trái tim chúng ta. Hạnh phúc thay những linh hồn thường xuyên và sốt sắng gọ Tên Thánh của Người trên đôi môi họ: Tên của sự Cứu Rỗi. Tên của Tình Yêu.”
Nhà thờ, nơi cầu nguyện
Mặc dù chúng ta nên cầu nguyện thường xuyên và ở mọi nơi, nhà thờ là nơi đặc biệt dành cho việc cầu nguyện – vì đó là Nhà Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện trong nhà thờ không như bất cứ nơi nào khác trên mặt đất. Người ở đó như Thiên Chúa thật và Người thật trong Mình Thánh. Tại đó, Người được tôn vinh trên Ngai Tòa của Người, ngai của Ân Sủng, Lòng Thương Xót và Lòng Cảm Thông. Tại đó, Người mời gọi chúng ta với tình yêu vô cùng. Dưới vẻ ngoài khiêm nhường là Bánh lễ, Người che giấu đi sự vĩ đại và uy nghiêm của bản thân, để chúng ta có thể đến gần Người mà không sợ hãi và với trọn niềm tin.
Một lần, cha Alvarez, một linh mục đạo hạnh, quỳ gối trước Mình Thánh, chìm đắm trong cầu nguyện và suy niệm. Đột nhiên, Người thấy trong một thị kiến Chúa Hài Đồng và Mình Thánh Chúa. Chúa Giêsu giang tay về phía Alvarez, và trong tay Người lóe lên đầy những viên ngọc quý giá. Cùng lúc đó, vị tôi tớ của Thiên Chúa nghe thấy những lời sau từ miệng Người: “Giá mà có ai ở đây để lấy đi những viên ngọc này từ Ta!”
Quả thật, nhà thờ là nơi phù hợp nhất để cầu nguyện. Không nơi nào khác chúng ta có thể cầu nguyện tốt hơn. “Nhà Ta là nhà cầu nguyện”, Thiên Chúa đã nói. Sự hiện diện thật của Chúa Giêsu Kitô trong Nhà Tạm! Sự giao tiếp kỳ diệu với các thiên thần! Những nghi lễ trang trọng giúp chúng ta hướng lòng mình về sự thánh thiện! Tất cả những điều này truyền cho linh hồn sự bình an ngọt ngào và sự tỉnh thức. Hãy vui mừng khi đi đến nhà thờ không chỉ vào Chúa Nhật, mà càng thường xuyên càng tốt vào các ngày trong tuần. Hãy tham dự Thánh Lễ – nơi Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta và cầu nguyện cùng chúng ta với Đức Chúa Cha.
Việc cầu nguyện và hy lễ của chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo biết bao – nếu ta được rước Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ. Thật là một sự an ủi lớn lao vào giờ phút cuối đời. Khi đó, ta sẽ không cần phải sợ Đức Chúa như vị Thẩm Phán. Chúng ta sẽ cảm thấy thân quen với Người, vì đã gặp Người trong Thánh Lễ tại Bàn Chịu lễ.
Hiệu quả của việc cầu nguyện chung
Việc cầu nguyện chung là một hành động tuyên xưng công khai đức tin, đức cậy và đức mến. Nó mang sức mạnh của sự đoàn kết, và được nâng đỡ bởi ơn chuyển cầu của Đấng Cứu Thế. Việc cầu nguyện chung là hình ảnh hoặc mô phỏng của lời tán tụng và thờ phượng vĩnh hằng mà các thiên thần và những người được tuyển chọn dâng lên Thiên Chúa trên Thiên Đàng.
Như Thánh Gioan miêu tả trong Khải Huyền, tất cả đều hợp nhất trong lời tán dương giống nhau và quỳ gối trước Ngai Tòa của Chiên Con, tất cả đều chúc tụng Thiên Chúa Toàn Năng, Ba Ngôi Cực Thánh. Chúng ta cũng vậy, ở đây trên mặt đất, trước bàn thờ của Người, trước Mình Thánh, hợp nhất trong lời cầu “Thánh, Thánh, Thánh.” Lời cầu nguyện này của những trái tim đồng nhất thật làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Việc cầu nguyện chung thường được nói với sự sốt sắng hơn. Sự trang trọng tạo ra ấn tượng sâu sắc hơn. Vì lý do này, Giáo hội cử hành các ngày lễ với sự long trọng như vậy. Vì vậy, chúng ta tụ họp vào các ngày lễ, như Thánh Vincentê Phêrrê đã nói, để ta có thể khích lệ nhau trong sự sốt sắng, và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ dâng lên Thiên Chúa vớiđầy tình yêu.
Việc cầu nguyện chung có hiệu quả mạnh mẽ. Nó giống như một cuộc tấn công vào thiên đàng! Một cuộc tấn công mãnh liệt vào Trái Tim Thiên Chúa! Tất cả các tín hữu cùng kêu gọi Thiên Chúa và khẩn cầu Người một cách thống nhất với một tiếng nói và một linh hồn. Nói về việc cầu nguyện chung, Tertullian đã sử dụng hình ảnh đẹp này: “Chúng ta tụ họp đông đảo, giống như một đội quân hùng mạnh với một sức mạnh và một tiếng nói, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp lại. Theo cách này, chúng ta như ép buộc Đấng Toàn Năng, và làm Người hài lòng với sự ép buộc đó!”
Chính Sự thật Vĩnh hằng cũng chứng thực quyền năng của lời cầu nguyện đoàn thể: “Nếu hai người trong các ngươi hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Ta, Đấng ngự trên Trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người tụ hợp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở đấy, giữa họ.” (Mátthêu 18:19)
Nếu lời cầu nguyện của chỉ hai hoặc ba người đã làm hài lòng Thiên Chúa, và Người cam đoan sẽ đáp lại, thì đến dường nào Thiên Chúa sẽ sẵn lòng lắng nghe lời cầu nguyện đoàn thể của hàng trăm người? Hàng ngàn người? Về vấn đề này, Thánh Tôma khẳng định rằng không thể nào lời cầu nguyện của nhiều người lại không đạt được điều có thể đạt được!
Ngay cả trong trật tự tự nhiên, chúng ta cũng có câu châm ngôn: “Đoàn kết là sức mạnh!”
Hiệu quả của Kinh Lạy Cha
Trong tất cả các lời cầu nguyện, không lời cầu nguyện nào thiêng liêng, hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa hơn Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng.
Kinh Lạy Cha đã được yêu mến trong Tâm Trí của chính Chúa Kitô từ muôn đời. Trong lòng Thiên Chúa, nó đã được thánh hóa… làm ngọt ngào… thấm nhuần sức mạnh siêu nhiên… và cuối cùng đã được Chúa Kitô thốt ra trên trần gian qua chính miệng Người. Lời cầu nguyện này, và không có lời nào khác, là lời mà Chúa Kitô đã dạy chúng ta và truyền lệnh cho chúng ta cầu nguyện khi Người nói: “Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời...”
Thật vậy, Kinh Lạy Cha là lời thỉnh cầu được Đấng Chuyển Cầu quyền năng nhất của chúng ta lập ra, và Người đã khuyên bảo và truyền lệnh cho chúng ta hãy dâng lên Cha trên Trời. Thật được an ủi khi biết rằng mọi điều chúng ta có thể mong muốn vì vinh quang của Người và vì ơn cứu độ của chúng ta đều có trong Kinh Lạy Cha, và qua đó chúng ta có thể khiến Cha trên Trời chấp nhận lời thỉnh cầu.
Được soạn thảo hoàn toàn từ những lời thiêng liêng
Kinh Lạy Cha được soạn thảo hoàn toàn từ những lời Thiêng liêng. Ta có thể yên tâm rằng không một từ nào sẽ được thốt ra một cách vô ích. Vì mỗi một lời được xưng tụng với lòng thành kính, chúng ta sẽ xứng đáng nhận phần thưởng tạm thời và vĩnh hằng. Nếu lời thỉnh cầu này được dâng lên Cha vĩnh hằng với lòng tin cậy lớn lao, khẩn cầu Thiên Chúa vô vàn lần trong cuộc đời, xin cho Nước Trời đến với ta, xin Thiên Chúa thứ tha tội lỗi – thì có thể nào Người Cha của mọi lòng thương xót và Đức Chúa của mọi sự an ủi lại từ chối không đáp lại lời cầu xin của chúng ta?
Hãy kiên trì! Hãy trung thành trong các lời cầu nguyện, và chắc chắn Chúa Cha trên Trời sẽ không làm ngơ trước những lời khẩn cầu của ta qua lời cầu nguyện thiêng liêng này. Khi ta chuẩn bị cầu nguyện Kinh Lạy Cha, hãy nhớ rằng đó không phải là một lời cầu nguyện của con người mà là một lời cầu nguyện thiêng liêng được lập bởi chính Thiên Chúa.
Hãy nỗ lực tôn trọng lời cầu nguyện này bằng cách đọc nó với tất cả lòng tận tâm và chú ý có thể. Nếu ta đang chịu cảnh nghèo khổ, hãy lặp lại với lòng nhiệt thành đặc biệt những lời trong Kinh Lạy Cha: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.”
Nếu ta đã sa vào tội lỗi nghiêm trọng, hãy cầu xin với trái tim ăn năn sâu sắc: “Xin tha nợ chúng con.”
Nếu ta bị cám dỗ tấn công, hãy lặp lại những lời: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
Nếu ta đang mang gánh nặng thập giá nặng nề, hãy nói với lòng tin tưởng nhưng hoàn toàn phó thác vào Thánh Ý Thiên Chúa: “Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ.”
Nếu ta cảm nhận được lòng sùng kính hay sự an ủi đặc biệt khi thốt ra những lời nhất định, hãy lặp lại chúng trong suốt thời gian những cảm xúc này tồn đọng, và Chúa Thánh Thần sẽ tác động trong ta. Đây là cách đúng đắn để cầu nguyện, và khiến ta trở nên dễ tiếp nhận và xứng đáng với ân sủng của Thiên Chúa.
Tính ưu việt của Kinh Lạy Cha
Kinh Lạy Cha thật ngắn gọn về lời nhưng lại rất phong phú về nội dung. Đây không chỉ là một lời cầu nguyện như mọi lời, không chỉ là cách thức đúng đắn để tôn vinh Thiên Chúa, mà còn chứa đựng gần như tất cả những gì Thiên Chúa đã dạy dỗ hoặc thiết lập.
Trong lời cầu nguyện này là một tóm tắt ngắn gọn của Tin Mừng. Tất cả các lời cầu nguyện khác đều phải được mô phỏng theo Kinh Lạy Cha. “Tất cả các lời cầu nguyện khác đều phải được ấn con dấu này (tức phải thuận theo kinh này).” Tertullian đã viết như vậy trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo.
Các vị thánh sử dụng những từ ngữ đầy nhiệt thành khi nói về sự xuất sắc của Kinh Lạy Cha.
Thánh Gioan Kim khẩu: “Lời cầu nguyện nào còn có thể chân thật trước nhan Chúa Cha hơn là lời cầu nguyện mà Chúa Con, Đấng là Sự Thật, chính Người đã thốt ra?”
Thánh Tôma à Kempis: “Kinh Lạy Cha ưu việt hơn tất cả mọi lời cầu nguyện của các thánh. Nó vượt trội trên mọi tình cảm yêu thương được Thần Khí linh ứng. Nó bao hàm mọi lời của các Ngôn sứ và mọi lời ngọt ngào trong Thánh Vịnh. Phúc thay cho ai suy niệm về những lời của Đức Chúa, những lời vàng ngọc trong Kinh Lạy Cha.”
Thánh Augustinô: “Nếu chúng ta cầu nguyện đúng cách, chúng ta không thể nói gì khác ngoài những gì chứa đựng trong Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha tự nó bao hàm lời cầu nguyện xuất sắc nhất.”
Thánh Tôma Aquinô: “Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện xuất sắc nhất.”
Vẻ đẹp ngọt ngào của Kinh Kính Mừng
Trong tất cả các lời cầu nguyện dâng lên Mẹ Thiên Chúa, chúng ta nên cầu nguyện Kinh Kính Mừng với sự ưu tiên đặc biệt, vì đây là lời cầu nguyện làm đẹp lòng Bà nhất và mang lại cho Bà niềm vui vô bờ.
Cũng như Kinh Lạy Cha được Chúa Kitô soạn thảo, thì Kinh Kính Mừng được ban cho chúng ta bởi Ba Ngôi Thiên Chúa.
Từ muôn thuở, Kinh Kính Mừng đã được sản sinh trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Được thánh hóa từ muôn đời, và khi thời giờ đến, được đặt trên đôi môi của Tổng lãnh thiên thần Gabriel.
Kẻ cầu nguyện Kinh Kính Mừng không thốt ra một lời cầu nguyện nhân loại, tự nhiên, mà là một lời cầu nguyện thiêng liêng, siêu nhiên. Một lời cầu nguyện mà mỗi từ ngữ đều chứa đựng sức mạnh từ thiên đàng.
Lời cầu nguyện nào có thể làm Mẹ Thiên Chúa hài lòng hơn lời cầu nguyện được Ba Ngôi Thiên Chúa tạo ra nhằm tôn vinh Bà, và được truyền đạt cho Bà qua vị thiên thần? Không lời cầu nguyện nào khác đã tôn vinh Bà cao quý hơn thế. Không niềm vui hay sự ngọt ngào nào đã được ban cho Bà như trong Kinh Kính Mừng – vì trong lần đầu tiên nghe lời chào này, Bà đã trở thành Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, Mẹ Thiên Chúa – và Ngôi Lời đã Nhập Thể trong lòng Bà.
Lời cầu nguyện quý giá nhất đối với Mẹ Maria
Đức Mẹ đã làm rõ với thánh Mechtilde rằng không lời cầu nguyện nào quý giá hơn đối với Bà bằng Kinh Kính Mừng. Một lần, vị thánh đã nói với Mẹ Thiên Chúa trong thánh lễ: “Ôi, lạy Mẹ Thiên Chúa, nếu con có thể chào Mẹ bằng lời chào ngọt ngào nhất mà trái tim con người có thể nghĩ ra, con sẽ rất hạnh phúc khi làm điều đó.”
Ngay lập tức, Đức Trinh Nữ hiện ra với một tấm khiên bạc trên ngực, trên đó khắc bằng chữ vàng các chữ “Ave Maria” (tức “Kính mừng Maria” trong tiếng Latin) và nói: “Không kinh nào vượt qua được lời chào này, và không ai có thể chào Ta bằng những lời ngọt ngào hơn lời Kinh Kính Mừng mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã chào Ta. Con người không thể hình dung được sự ngọt ngào mà Ta đã cảm nhận khi lần đầu tiên nghe lời chào này.”
Niềm vui mà Đức Mẹ trải qua trong mầu nhiệm Truyền Tin được tái hiện trong mỗi Kinh Kính Mừng được đọc với lòng sùng đạo, như đã được mạc khải cho thánh Gertrude. Vị thánh đã chứng kiến điều đó trong một thị kiến – khi Kinh Kính Mừng được cất lên trong giờ Kinh Sáng – ba dòng suối chảy từ Ba Ngôi Thiên Chúa vào Trái tim Đức Mẹ. Những dòng suối này biểu thị sự ngọt ngào vô cùng mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã đổ vào Trái Tim Bà qua Kinh Kính Mừng.
Từ đây, ta sẽ hiểu được vẻ đẹp và giá trị của Kinh Kính Mừng. Hãy quyết tâm đọc lời cầu nguyện đầy triều mến này mỗi khi có thể. Khi ta lên cầu thang, hãy đọc một Kinh Kính Mừng, như thánh Catherine thành Siena đã làm. Khi ta đi đến nhà thờ, hoặc khi đi làm việc gì đó, hãy đọc một Kinh Kính Mừng. Nếu ta không muốn đọc bằng miệng, hãy đọc trong lòng – và bạn sẽ dâng tặng một món quà quý báu cho Nữ Vương Thiên Đàng.
Thánh Catherine thành Siena có một thực hành sùng đạo là kính viếng Đức Mẹ một cách nhiệt thành với Lời Chào Thiên Thần (tức Kinh Kính Mừng). Bà đã đọc lời chào này mỗi khi nhìn thấy một bức ảnh của Mẹ Thiên Chúa hoặcmỗi khi bắt đầu một công việc nào đó. Qua thực hành này, bà đã nhận được ân sủng là sự trong sạch cao quý.
Lời chào Thiên Thần – một món quà quý báu
Cha Tôma à Kempis thường khuyên các môn đệ của mình rằng: “Hãy chào Đức Mẹ bằng lời chào Thiên Thần, vì Bà rất vui khi nghe thấy âm thanh thiên đàng này. Ngay khi tôi xướng lên lời của Thiên Thần – tức Kinh Kính Mừng – thì trời cao ca ngợi, mặt đất ngỡ ngàn, Satan bị xua đuổi. Hỏa ngục run rẩy. Niềm vui trở lại. Trái tim tôi bừng lên với một lòng đạo thánh thiện. Vâng, tôi cảm nhận niềm an ủi trong lòng đến mức không thể diễn tả được bằng lời.”
Chúng ta có thể hiểu vì sao Cha Francisco Suarez đã sẵn sàng đánh đổi mọi lao lực của ông cho một Kinh Kính Mừng được đọc với lòng mộ đạo – vì ngay cả một trong những công trình vĩ đại nhất của trí tuệ con người thật chẳng là gì, khi so với bản tóm lượt huyền diệu về những Vinh Quang của Đức Mẹ do chính Thiên Chúa ban truyền!
Khi đọc Kinh Kính Mừng cách sùng đạo, chúng ta được dự phần vào kho báu vô ngần là ánh sáng và tình yêu. Trong một lần giảng thuyết trước nhiều nhà thần học, Cha Alanus đã chứng minh một cách dứt khoát rằng mỗi một từ trong Kinh Kính Mừng là một viên ngọc, và ai đọc nó một cách chân thành sẽ dâng tặng nhiều viên ngọc cho Đức Bà. Vì mỗi từ trong Kinh Kính Mừng là một viên ngọc, hãy cố gắng phát âm từng từ với lòng nhiệt thành và sự tôn kính, để ta có thể dâng tặng Bà những viên ngọc quý giá nhất.
Ôi, tình yêu của Đức Bà dành cho ta sẽ lớn biết bao, nếu mỗi ngày ta dâng cho Bà thật nhiều những viên ngọc vô giá. Nếu chúng ta muốn yêu mến Đức Mẹ một cách chân thành, chúng ta phải bắt đầu cầu nguyện Kinh Kính Mừng với lòng đạo đức chân thành. Khi đó, chúng ta cũng có thể hy vọng trải nghiệm lời nói của thánh Bonaventure: “Đức Mẹ luôn chào chúng ta với một ân sủng, mỗi khi chúng ta chào Đức Mẹ bằng một Kinh Kính Mừng!”
Thánh Alphonsô đã viết một bản luận văn về việc cầu nguyện và trong đó có một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, rất phù hợp để kết thúc công trình nhỏ của chúng ta:
Bài Viết Liên Quan