^
^
Lạc Giáo Của Phanxicô | Lạc Giáo Trong Vaticanô II | Lạc Giáo Của Biển Đức XVI | Lạc Giáo Của Gioan Phaolô II | Từ Điển Thuật Ngữ Nguyên Tắc | Sự Thật Về Kẻ Mạo Danh Sơ Lucia | Kế Hoạch Hoá Gia Đình Tự Nhiên (NFP) Là Tội Lỗi | Lòng Thương Xót Chúa Của Sơ Faustina Là Giả | Cửa Hàng Online Và Thông Tin Liên Lạc |
Các Bước Hoán Cải | Nơi Lãnh Nhận Các Bí Tích | Thánh Mân Côi | Không Có Ơn Cứu Độ Bên Ngoài Giáo Hội | Trả Lời Kháng Bác Về Thuyết Trống Toà | Tân Thánh Lễ Vô Hiệu | Nghi Thức Truyền Chức Linh Mục Mới | E-Exchanges |
Cơ sở Kinh Thánh để cầu nguyện lên Mẹ Maria và giáo huấn Công Giáo về Mẹ Maria
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu Kitô. Trái ngược với vu cáo của một số kẻ, Giáo hội Công giáo không dạy và chưa bao giờ dạy rằng Đức Maria là Thiên Chúa. Đó sẽ là lạc giáo. Đức Maria chỉ là một thụ tạo, nhưng là thụ tạo vĩ đại nhất trong toàn nhân loại từng được Thiên Chúa tạo ra. Xin hãy nhìn vào những bằng chứng kinh thánh này để hiểu giáo huấn Công giáo về mẹ Maria, và tại sao ta rất cần phải hiểu vai trò và tầm quan trọng của bà.
Để hiểu Kinh Thánh và những gì sách thánh dạy về mẹ Maria (mẹ Chúa Giêsu Kitô), ta phải hiểu các dự hình Kinh Thánh.
Dự hình = một sự kiện, con người hoặc thể chế có thật trong Cựu Ước báo trước hoặc tiền đề một điều gì đó trong Tân Ước.
KINH THÁNH DẠY RẰNG AĐAM, NGƯỜI NAM ĐẦU TIÊN, LÀ MỘT DỰ HÌNH CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ
Chúa Giêsu Kitô là Chúa thật và người thật. Ađam chỉ là một con người, người đàn ông đầu tiên. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng Ađam là dự hình cho đấng sẽ tới, Chúa Giêsu Kitô.
Vì sao Ađam là một dự hình của Chúa Giêsu? Điều đó có lẽ được tóm tắt tốt nhất trong đoạn văn này.
Ađam nhấn chìm thế gian vào tội lỗi; Chúa Kitô đến để cứu chuộc thế gian khỏi tội lỗi của Ađam. Ađam phạm tội vì sự bất tuân của ông trước cây cho biết điều thiện điều ác; Chúa Kitô đã cứu chuộc thế gian bằng sự vâng phục và dâng hy tế trên cây Thập giá. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói rằng Chúa Kitô là Ađam mới hoặc thứ hai hoặc cuối cùng. Người đến để chuộc lại những gì Ađam đã làm. Người trở thành thủ lãnh giống dân mới, giống dân được cứu chuộc, là những ai sống phần linh hồn trong Chúa Kitô, trong khi Ađam, con người đầu tiên, là thủ lãnh của nhân loại rơi vào tội lỗi.
KINH THÁNH DẠY RẰNG CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ AĐAM THỨ HAI
Có rất nhiều dự hình Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng tất cả những sự kiện, con người và sự vật này là những sự kiện, con người và sự vật có thật, đồng thời dự hình cho một điều gì đó sẽ đến trong tương lai. Dưới đây là một vài ví dụ:
Con tàu của Nôê là dự hình cho ơn cứu độ thông qua phép rửa tội và Giáo hội.
1 Cr. 10:1-2 – Kinh Thánh dạy rằng việc vượt qua Biển Đỏ (Xuất hành 14) dự hình cho phép rửa tội.
1 Phêrô 3:19-21 – Kinh Thánh dạy rằng Con tàu của Nôê và Đại Hồng Thủy dự hình cho việc được cứu độ bởi phép rửa và Giáo hội.
1 Cr. 5:7 – Kinh Thánh dạy rằng chiên lễ Vượt qua bị hiến tế (Xuất hành 12), dự hình Chúa Kitô, Chiên Thiên Chúa, đấng xoá bỏ tội trần gian (Gioan 1:29).
Dt 8:8-9 – Kinh Thánh dạy rằng hệ thống Cựu Ước là một “điềm báo” hoặc hình ảnh của Tân Ước.
Mt 12:40 – Kinh Thánh dạy rằng ba ngày đêm của ông Giôna trong bụng kình ngư dự hình cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ cái chết sau ba ngày.
Ta có thể đưa ra nhiều ví dụ về dự hình khác trong Kinh Thánh. Điều quan trọng phải hiểu là sự thành toàn của một dự hình (được gọi là “phản hình”) phải vĩ đại hơn dự hình của nó. Chúa Giêsu Kitô vĩ đại hơn Ađam vô hạn; Tân Ước vĩ đại hơn Cựu Ước; cuộc Phục sinh vĩ đại hơn những nhọc nhằn của ông Giôna; v.v. Hiểu được điều đó, giờ đây chúng ta hãy xem xét các dự hình của Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu Kitô. Có nhiều dự hình cho Đức Maria. Ngoài các bằng chứng kinh thánh khác, những dự hình này cung cấp bằng chứng kinh thánh không thể phủ nhận cho giáo huấn Công giáo về Mẹ Maria. Những điểm sau đây chắc hẳn sẽ mới và đáng ngạc nhiên đối với nhiều người không Công giáo.
VÌ CHÚA KITÔ LÀ AĐAM MỚI, MẸ MARIA LÀ ÊVA MỚI
Như đã đề cập, Ađam là một dự hình của Chúa Giêsu Kitô. Có một người nữ khác đã tham gia với Ađam, con người đầu tiên, trong sự sa ngã của thế gian vào tội lỗi. Đó là Eva, người phụ nữ đầu tiên. Chính tội lỗi của Ađam đã tạo thành tội nguyên thuỷ. Nhưng Eva là công cụ và gắn bó mật thiết với các sự kiện dẫn đến tội nguyên thuy. Người đàn bà (Eva) phạm tội và là dịp để Ađam phạm tội.
Cũng giống như “người đàn bà” (Eva) đã gắn bó mật thiết với các sự kiện dẫn đến tội nguyên thuỷ, có một người đàn bà khác đã gắn bó mật thiết vào các sự kiện dẫn đến cuộc Cứu chuộc. Đó là Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu Kitô. Bà là Eva mới.
Êva nghe lời con rắn - mẹ Maria nghe lời thiên sứ Gabriel
Có rất nhiều điểm tương đồng rõ ràng trong Kinh Thánh giữa bà Eva và bà Maria. Những điều này chứng tỏ rằng Đức Maria là Eva mới, vì Chúa Kitô là Ađam mới.
BÀ EVA GIAO TIẾP, TIN TƯỞNG VÀ VÂNG LỜI MỘT THIÊN THẦN SA NGÃ
(CON RẮN)
ĐỨC MARIA GIAO TIẾP, TIN TƯỞNG VÀ VÂNG LỜI MỘT THIÊN THẦN TỐT (GABRIEL)
Sáng thế 3:4-6 – “Rắn nói với người đàn bà, Chẳng chết chóc gì đâu… Bà [Eva] liền hái trái cây mà ăn…”
Luca 1:26-38 – “… thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê… tới cùng một trinh nữ… và tên trinh nữ là Maria. Vào nơi bà ở, thiên thần nói: Vui lên! Hỡi Ðầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ… Và thiên thần nói với bà: Maria, đừng sợ! vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa. Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Người là Giêsu… Maria mới nói: Này tôi là tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Người. Và thiên thần từ giã bà ra đi."
Eva được con rắn (Quỷ dữ) tiếp cận, một thiên thần sa ngã. Eva tin vào những lời dối gạt của hắn và bất tuân Thiên Chúa. Eva phạm tội và khiến chồng mình phạm tội, khiến thế gian đắm chìm vào cái chết.
Maria được Gabriel, một thiên thần tốt, tiếp cận. Bà Maria tin vào thông điệp cứu độ của thiên sứ: rằng bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, đầy ơn phúc, và sẽ sinh hạ Đấng Cứu độ. Đức Maria vâng lời Thiên Chúa. Bằng sự vâng phục, bà đồng thuận việc Chúa Giêsu sẽ hoài thai trong lòng mình, và khiến Người có thể đến và chuộc lại thế gian khỏi tội lỗi của Ađam.
Ngay cả trong Hội Thánh cổ, những điểm tương đồng từ Kinh Thánh này đã được công nhận là điểm nhận biết việc Mẹ Maria là Eva mới, như Chúa Kitô là Ađam mới. Thánh Irenaeus là một giáo phụ thời tông đồ nổi tiếng ở thế kỷ thứ hai. Ông so sánh Eva đầu tiên với Eva thứ hai (Đức Maria).
EVA LÀ MẸ CỦA MỌI SINH LINH - ĐỨC MARIA, VỚI TƯ CÁCH LÀ MẸ CHÚA GIÊSU, LÀ MẸ CỦA MỌI SINH LINH VÀ LÀ MẸ CỦA CHÍNH SỰ SỐNG
Eva được gọi là “mẹ các sinh linh hết thảy” bởi vì tất cả những ai có sự sống đều là hậu duệ của bà. Mẹ Maria cũng là mẹ của mọi sinh linh, nhưng quả thật theo một cách vĩ đại hơn. Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là chính Sự sống và nơi mọi sự sống được tìm thấy.
Chúa Giêsu là sự sống. Do đó, Đức Maria thực sự là mẹ của sự sống. Sự tương đồng với Eva, mẹ của tất cả mọi sinh linh, là hiển nhiên. Khác nhau ở chỗ Đức Maria là mẹ của một Sự sống vĩ đại vô hạn hơn sự tồn tại của con người. Những ai sống và chết trong Con bà có quyền đến với đời sống vĩnh hằng trong Người và trở nên những thụ tạo mới.
Sự thành toàn (Đức Maria như mẹ mọi sinh linh) một lần nữa vĩ đại hơn dự hình (bà Eva như mẹ mọi sinh linh).
BÀ EVA ĐƯỢC TẠO RA KHÔNG VƯỚNG TỘI LỖI – EVA MỚI, MẸ MARIA, CŨNG PHẢI ĐƯỢC TẠO RA MÀ KHÔNG VƯỚNG TỘI LỖI (ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI)
Chúng ta đã thấy Kinh Thánh chỉ ra Đức Maria là Eva mới. Vậy nên câu hỏi là: linh hồn của Eva được tạo ra trong tình trạng nào? Eva được tạo ra trong Sáng thế 2 không vướng mắt tội lỗi nào. Toàn bộ thế giới là hoàn hảo cho đến khi nhân loại sa ngã. Ađam và Eva đều được tạo ra trong trạng thái công chính nguyên thuỷ. Họ vẫn chưa đánh mất trạng thái hoàn mỹ nguyên thuỷ, mà trong đó họ không vướng mắt tội lỗi nào, cho đến khi tội lỗi nguyên thuỷ xảy ra trong Sáng thế 3.
Nếu Thiên Chúa tạo ra người phụ nữ đầu tiên (Eva) không có bất kỳ tội lỗi nào, thì Người chắc chắn có thể tạo ra Eva thứ hai (và vĩ đại hơn), Đức Trinh Nữ Maria, mà không có bất kỳ tội lỗi nào. Đó chính xác là những gì Người đã làm. Thiên Chúa phải làm thế vì tính cân đối và công lý bởi bà sẽ là phần tử đầu tiên của giống dân được cứu chuộc.
ĐỊNH NGHĨA TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Đức Giáo Hoàng Piô IX, Ineffabilis Deus, ngày 8 tháng 12, 1854 – “Ta tuyên bố, công bố và định tín giáo lý rằng Đức Trinh Nữ Maria, trong khoảnh khắc thụ thai đầu tiên, nhờ một ân sủng và đặc quyền phi thường được ban cho bởi Thiên Chúa Toàn Năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ nhân loại, đã được bảo tồn khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi nguyên thuỷ, là một giáo lý được Thiên Chúa mặc khải và do đó phải được vững tin bởi mỗi một tín hữu.”
Thiên Chúa đã bảo vệ bà khỏi mọi tội lỗi vì công nghiệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Điều đó phải được thực hiện lên mẹ Maria bởi vì bà phải là bình thánh thiện và thuần khiết cưu mang Thiên Chúa toàn thánh. Để cưu mang Đấng thánh thiện vô cùng, Đức Maria đã phải thánh thiện ngay từ khoảnh khắc đầu tiên được tạo ra.
CHÚA GIÊSU ĐÃ CỨU MẸ MARIA MỘT CÁCH VĨ ĐẠI HƠN
Vì vậy, nếu mẹ Maria được bảo tồn khỏi vết nhơ của tội nguyên thuỷ, điều đó có nghĩa là bà không có Đấng Cứu Độ? Không. Đức Maria tự trả lời.
Thiên Chúa đã cứu mẹ Maria bằng cách ngăn bà vướng phải nguyên tội. Giả sử một người rơi xuống một cái hố sâu trong rừng, nhưng được kéo ra bởi bạn mình. Đúng là người bạn đã cứu anh ta. Giờ đây, giả sử một người nhìn thấy một người phụ nữ đi về phía hố sâu, và bắt lấy cô ấy ngay trước khi cô ta té xuống hố. Anh ta ngăn cô ấy rơi xuống hố ngay từ đầu, để cô ta không bị thương hoặc bẩn thỉu chút nào. Anh ta có cứu người phụ nữ không? Chắc chắn là có. Anh ta đã cứu cô ấy một cách lớn lao hơn, bằng cách ngăn cô rơi xuống hố và chịu bất kỳ hậu quả tai hại nào.
Đó là cách Thiên Chúa cứu mẹ Maria. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ của bà một cách thậm chí còn vĩ đại hơn, bằng cách ngăn bà vướng phải nguyên tội, và bằng cách bảo vệ bà khỏi tội lỗi trong suốt cuộc đời. Người đã làm điều này cho Đức Maria, bởi vai trò độc nhất của bà. Sự vô tội của Mẹ Maria được chỉ ra bởi vô vàn dự hình trong Kinh Thánh.
Một số người bày tỏ hoài nghi với ý nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ tạo ra một người hoàn toàn không tội lỗi. Họ đang quên rằng Thiên Chúa đã tạo ra người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên không tội lỗi.
KINH THÁNH DẠY RẰNG MẸ MARIA LÀ HÒM BIA TÂN ƯỚC
Hòm Bia Cựu Ước - Mẹ Maria, Hòm Bia Tân Ước
Giờ đây chúng ta sẽ thấy rằng Kinh Thánh chắc chắn xác định Đức Maria là Hòm Bia Tân Ước. Kinh Thánh xác định mẹ Maria là phản hình Tân Ước cho Hòm Bia Cựu Ước. Mẹ Maria là sự thành toàn mới và vĩ đại hơn của những gì đã được dự hình trước bởi Hòm Bia Cựu Ước. Thông tin này là một trong những thông tin quan trọng nhất và tiết lộ nhất về vai trò sâu sắc của mẹ Maria.
Vì nó chứa đựng và đại diện cho sự hiện diện của Thiên Chúa, Hòm Bia Cựu Ước là điều thiêng liêng và mạnh mẽ nhất trên mặt đất ngoại trừ chính Thiên Chúa. Hòm Bia là một cái khảm thiêng liêng chứa các bia đá khắc ghi Mười Điều Răn (Đệ nhị luật 10:5). Hòm Bia cũng chứa đựng và đại diện cho sự hiện diện thiêng liêng của Thiên Chúa trên mặt đất. Khi Thiên Chúa nói chuyện với Môsê, đó là từ giữa hai Kêrubim đặt trên Hòm Bia Chứng Ước.
Giờ đây chúng ta hãy xem Kinh Thánh xác định Đức Maria là Hòm Bia mới như thế nào.
Hòm Cựu Ước
Đức Trinh Nữ Maria
Chứa Lời Chúa được viết (Đnl. 10:5)
Chứa Lời Chúa trở thành người phàm, Chúa Giêsu (Ga. 1:1)
Chúa Giêsu Kitô là Lời Chúa trở thành người phàm (Gioan 1:1). Vì vậy, giống như Hòm Cựu Ước chứa Lời Chúa được viết, Đức Maria (Hòm Bia Tân Ước) chứa Lời Chúa trở thành người phàm.
Hòm Cựu Ước
Đức Trinh Nữ Maria
Được “đậu trên” (episkiasei) bởi sức mạnh và sự hiện diện của Thiên Chúa (Xuất hành) 40:34-35)
Được “rợp bóng” (episkiasei) bởi sức mạnh và sự hiện diện của Đấng Tối Cao (Luca 1:35)
Nhà Tạm được xây dựng để chứa Hòm Bia Chứng Ước (Xuất hành 40:2-3). Khi Thiên Chúa xuống Nhà Tạm và Hòm Bia để nói chuyện với Môsê, ta đọc trong Xuất hành 40:34-35 rằng đám mây vinh quang hay sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa (được gọi là “Shekinah”) đã “đậu trên” nó. Từ hiếm hoi được sử dụng để mô tả sự hiện diện độc đáo này của Thiên Chúa, “che phủ” Hòm Bia Giao Ước, là episkiasei trong bản dịch tiếng Hy Lạp sách Cựu Ước.
Cùng một từ “episkiasei” được sử dụng trong Tân Ước (viết bằng tiếng Hy Lạp) để mô tả sự hiện diện của Thiên Chúa, “rợp bóng” Đức Trinh Nữ Maria như thế nào. Kinh Thánh chỉ sử dụng ngôn ngữ này cho Hòm Bia và cho Đức Maria.
Hàm ý rõ ràng là sự hiện diện của Thiên Chúa rợp bóng trên mẹ Maria và ngự xuống bà – vì bà là Hòm Bia Tân Ước – giống như cách Thiên Chúa rợp bóng Hòm Bia Cựu Ước. Điều này cho thấy rằng mẹ Maria, trong khi chỉ là một tạo vật và thấp kém hơn Thiên Chúa vô hạn lần, là Hòm Bia mới. Do đó, bà có một mối liên kết độc đáo với Thiên Chúa, một sự thánh thiện, thánh hóa và quyền lực đặc biệt.
BẰNG CHỨNG TUYỆT VỜI TỪ 2 SAMUEN 6 VÀ LUCA 1 RẰNG ĐỨC MARIA LÀ HÒM BIA TÂN ƯỚC
Vua Đavít trước Hòm Bia - Bà Isavê trước mẹ Maria
Hãy xem xét những điểm tương đồng tuyệt vời mà Kinh Thánh đem lại cho chúng ta giữa những gì đã xảy ra với Hòm Bia Cựu Ước trong 2 Samuen chương 6 và những gì đã xảy ra với Đức Trinh Nữ Maria, Hòm Bia Tân Ước, trong chương 1 Tin Mừng Thánh Luca. 2 Samuen 6 là câu chuyện hoàn chỉnh nhất trong Kinh Thánh về Hòm Bia Cựu Ước. Luca 1 là câu chuyện hoàn chỉnh nhất trong Kinh Thánh về Đức Trinh Nữ Maria.
Hòm Bia Cựu Ước
Đức Trinh Nữ Maria
2 Samuen 6:9 – “Ngày hôm đó, vua Đavít sợ Đức Chúa, ông nói: Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được
Luca 1:43 – “[Bà Isavê nói]: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”
Vua Đavít nói: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” trong khi bà Isavê hỏi “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Bà Isavê nói điều tương tự với mẹ Maria cũng như vua Đavít nói với Hòm Bia vì mẹ Maria là Hòm Tân Ước. Khác biệt duy nhất giữa hai câu nói là từ “Thân Mẫu” thay cho “Hòm Bia.” Kinh Thánh đang nói với chúng ta rằng Thân Mẫu Chúa = Hòm Bia Đức Chúa. Điều này được xác nhận mà không một nghi ngờ khi chúng ta phát triển xa hơn.
Vua Đavít nhảy trước Hòm Bia
Đứa trẻ nhảy trước sự hiện diện của Đức Maria
2 Samuen 6:16 – “Khi Hòm Bia Đức Chúa vào Thành vua Đavít, bà Mikhan, con gái vua Saun, từ cửa sổ nhìn xuống thấy vua Đavít nhảy múa quay cuồng trước nhan Đức Chúa…”
Luca 1:41-44 – “Bà Isavê vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần… Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.”
Đavít nhảy múa trước Hòm Bia, cũng như đứa trẻ trong bụng bà Isavê nhảy lên trước mẹ Maria (Hòm Bia mới).
Hòm Bia ở lại ba tháng
Đức Maria (Hòm Bia mới) ở lại trong ba tháng
2 Samuen 6:11 – “Hòm Bia Đức Chúa ở nhà ông Ôvết Êđôm người thành Gát ba tháng, và Đức Chúa giáng phúc cho ông Ôvết Êđôm cùng cả nhà ông.”
Luca 1:56-57 – “Bà Maria ở lại với bà Isavê độ ba tháng, rồi trở về nhà. Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Isavê sinh hạ một con trai.”
Trong 2 Samuen 6, ta đọc rằng Hòm Bia ở lại với ông Ôvết Êđôm người thành Gát trong ba tháng. Tương tự vậy, trong Luca 1, ta đọc rằng Đức Maria (Hòm Bia mới) ở lại với bà Isavê trong ba tháng.
2 Samuen 6:11 cũng đề cập rằng Thiên Chúa đã ban phước cho Ôvết Êđôm và ngôi nhà của ông trong khi Hòm Bia có mặt. “Ban phước” trong Kinh Thánh thường chỉ đến việc sung túc con cái. Trong điều này, chúng ta thấy một sự tương đồng khác với Luca 1 và bà Maria. Vì Luca 1:57 cho chúng ta biết rằng sau khi mẹ Maria ở lại với bà Isavê, Thiên Chúa đã ban phước cho bà và ngôi nhà của bà với sự ra đời của một đứa trẻ, Thánh Gioan Tẩy giả.
Đavít đưa Hòm Bia từ Giuđa
Điều này xảy ra khi Đức Maria (Hòm Bia) đến Giuđa
2 Samuen 6:2 – “Từ Baalê Giuđa, vua Đavít lên đường và cùng đi với toàn dân đang ở lai với vua, để đưa Hòm Bia Thiên Chúa từ đó lên, Hòm Bia mang danh Đức Chúa các đạo binh, Đấng ngự trên các Kêrubim.”
Luca 1:39-40 – “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Isavê.”
Như ta đọc ở đây, những điểm tương đồng đáng kinh ngạc này đã xảy ra khi vua Đavít lên đường đến xứ Giuđa để đưa Hòm Bia (2 Samuen 6:2), và khi Đức Maria, Hòm Bia mới, đến xứ Giuđa (Luca 1:39).
Sách Khải Huyền cũng chỉ ra rằng Đức Maria là Hòm Bia mới
Khải Huyền 11:19,12-1 – “Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn. Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.”
Kinh Thánh không được viết theo chương hay số câu. Mãi đến thế kỷ 12, Kinh Thánh mới được chia thành các chương và câu văn. Do đó, tác giả sách Khải Huyền, Thánh Gioan, đã viết những gì bắt đầu chương 12 trong một mạch liên tục ngay sau khi kết thúc chương 11. Vào cuối chương 11, chúng ta đọc rằng Hòm Bia Giao Ước của Chúa Giêsu đã được nhìn thấy trên Thiên đàng. Ngay câu tiếp theo là Khải Huyền 12:1. Do đó, những từ kết thúc chương 11 nối tiếp ngay vào các từ bắt đầu chương 12, mà không có bất kỳ sự phân chia nào.
Điều đó có nghĩa là sự xuất hiện của Hòm Bia Giao Ước của Chúa Giêsu vào cuối chương 11 – “và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ” (Kh. 11:19) – ngay lập tức được giải thích bởi thị kiến “người phụ nữ” mình khoác mặt trời bắt đầu chương 12, câu tiếp theo (Kh. 12:1). Điều này biểu thị rằng “người phụ nữ” mình khoác mặt trời, người cưu mang Thiên Chúa (Đức Trinh Nữ Maria), là Hòm Bia Tân Ước.
Hòm Bia chứa manna từ sa mạc
Đức Maria chứa manna từ trời, Chúa Giêsu
Do thái 9:4 – “… Hòm Bia Giao Ước hoàn toàn bọc vàng, Hòm Bia này chứa bình vàng đựng manna, cây gậy trổ hoa của ông Aharon, và các tấm bia Giao Ước.”
Gioan 6:48-51 – “Bánh sự sống chính là Ta! Cha ông các ngươi trong sa mạc đã ăn manna và đã chết. Bánh này mới là bánh bởi trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Bánh hằng sống bởi trời xuống, chính là Ta! Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta vì sự sống thế gian.”
Không nghi ngờ gì, manna trong sa mạc (Xuất hành 16) đã dự hình Chúa Giêsu là Bánh sự sống. Chúa Giêsu tạo ra một kết nối giữa hai sự vật trong Gioan 6. Người đề cập đến manna trong sa mạc, và sau đó nói rằng thịt Người là manna thực sự từ trời. Chà, manna từ sa mạc được đặt bên trong Hòm Bia Cựu Ước. Điều đó dự hình cho chính Chúa Giêsu Kitô (manna thực sự của Tân Ước) được chứa đựng trong chính Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.
Trong Do thái 9:4, ta cũng đọc rằng cây gậy của Aharon được đặt trong Hòm Bia Cựu Ước. Trong Dân số 17, ta đọc rằng cây gậy trổ hoa này chứng minh chức thượng tế thật sự. Do đó, cây gậy của Aharon biểu thị chức thượng tế thật sự. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được mô tả là thượng tế thật sự.
Cũng xem Do thái 6:20, Do thái 9:11, và các đoạn khác để có thêm bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu là thượng tế thực sự. Kết luận không thể tránh khỏi là cây gậy của Aharon được đặt trong Hòm đã dự hình cho Chúa Giêsu Kitô, vị thượng tế thực sự, được chứa trong Đức Maria (Hòm Bia Tân Ước).
Hoàn toàn không nghi ngờ gì, Tân Ước chỉ ra rằng Đức Maria là Hòm Bia mới. Bằng chứng này là không thể phủ nhận.
VÌ MẸ MARIA LÀ HÒM BIA TÂN ƯỚC, ĐIỀU ĐÓ CÓ NGHĨA BÀ LÀ VẬT THIÊNG LIÊNG NHẤT TRÊN MẶT ĐẤT NGOÀI CHÚA GIÊSU KITÔ
Cũng như Hòm Bia Cựu Ước, mẹ Maria có một quyền năng chuyển cầu đặc biệt
Hòm Bia Cựu Ước là vật thiêng liêng nhất trên mặt đất bên ngoài sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Hòm Bia được chứa trong nhà tạm, bên trong nơi cực thánh. Sự hiện diện của Hòm Bia là yếu tố làm cho nơi cực thánh rất mực thiêng liêng.
Chiếc hòm thánh thiện đến độ khi dân Chúa đi theo, họ phải giữ một khoảng cách tôn trọng.
Những người chạm vào Hòm Bia bất hợp pháp đã bị giết.
Những người Bết Semét đã bị giết vì họ đã dám nhìn vào Hòm Bia.
Chúng ta thấy Thiên Chúa cho là thiêng liêng đến dường nào vật tiếp xúc gần gũi với sự hiện diện thiêng liêng của Người.
VÌ MẸ MARIA LÀ HÒM BIA MỚI, BÀ PHẢI THÁNH THIỆN VÀ ĐƯỢC TẠO RA VÔ TỘI
Thiên Chúa đã đưa ra các yêu cầu chính xác nhất cho việc xây dựng Hòm Bia. Người ra lệnh rằng nó được làm bằng vàng nguyên chất nhất.
Thật thú vị, Hòm Bia không chỉ phải được phủ vàng xung quanh, mà còn có một tham chiếu cụ thể về nó có một “triều thiên chung quanh bằng vàng.”
Hòm Bia Cựu Ước có triều thiên vàng
Đức Trinh Nữ Maria (Hòm Bia mới) cũng có triều thiên
Xuất hành 25:11 – “Ngươi sẽ làm trên đó một đường viền [triều thiên] chung quanh bằng vàng.”
Khải huyền 12:1 – “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.”
Hòm Cựu Ước phải hoàn hảo và thánh thiện bởi vì đây là nơi của sự hiện diện thiêng liêng độc đáo của Thiên Chúa. Sự thánh thiện của Thiên Chúa không thể bị hoen ố bởi tiếp cận với một vật có khiếm khuyết. Tương tự như vậy và ở mức độ vĩ đại hơn, Đức Trinh Nữ Maria, với tư cách là Hòm Bia mới và người cưu mang Chúa Giêsu Kitô, phải được tạo ra vô tội và trong trạng thái hoàn hảo.
Bà không chỉ chứa đựng sự hiện diện thiêng liêng của Thiên Chúa, mà còn là Đức Giêsu Kitô (chính Thiên Chúa). Bà không chỉ chứa đựng Lời Chúa được viết, mà là Ngôi Lời trở thành người phàm (Gioan 1:1). Do đó, Mẹ Maria phải hoàn hảo. Bà phải không vướng tội lỗi nào và phải trọn đời đồng trinh.
Nếu Hòm Bia Cựu Ước, trong đó chứa các bia Lề luật và được rợp bóng bởi sự hiện diện thiêng liêng của Thiên Chúa, phải được phủ vàng ròng và phải được kiến tạo theo yêu cầu cụ thể nhất từ Thiên Chúa, thì việc kiến tạo Đức Maria, Hòm Bia Tân Ước phải vĩ đại hơn bao nhiêu lần? Sự thành toàn phải vĩ đại hơn dự hình. Mẹ Maria, Hòm Tân Ước, phải và thật sự vĩ đại hơn Hòm Bia Cựu Ước.
Cũng giống như Hòm Bia Cựu Ước, mẹ Maria cũng phải có một sức mạnh to lớn đối với Quỷ dữ và với kẻ thù của Thiên Chúa. Bà phải có một sức mạnh độc đáo trong ơn chuyển cầu với Thiên Chúa, trong việc ban phát phước lành của Người và trong việc giúp đỡ dân Chúa, giống như Hòm Bia Cựu Ước đã làm.
CŨNG GIỐNG NHƯ HÒM BIA CỰU ƯỚC, ĐỨC MARIA CÓ MỘT SỨC MẠNH CHUYỂN CẦU ĐỘC ĐÁO; BÀ CÓ SỨC MẠNH TUYỆT VỜI TRÊN KẺ THÙ CỦA THIÊN CHÚA, TRÊN MA QUỶ VÀ TRONG VIỆC GIÚP ĐỠ DÂN CHÚA
Hòm Bia Cựu Ước có sức mạnh đáng kinh ngạc. Khi bị lấy bởi người Philitinh, những điều phi thường đã xảy ra với họ và với tà thần của họ, Đagôn.
Người Philitinh bắt đầu bị tiêu diệt vì đã chiếm Hòm Bia. Điều này thúc đẩy họ trả lại Hòm Bia cho chính kẻ thù, người Israel.
Hòm Bia đã khiến kẻ thù của Thiên Chúa phải kinh hoàng.
Vùng biển Giođan đã bị khô cạn một cách kỳ diệu bởi Hòm Bia.
Mẹ Maria, Hòm Bia mới, có sức mạnh này và thậm chí còn vĩ đại hơn thế nữa; Vì sự thành toàn vĩ đại hơn dự hình, và Tân Ước vĩ đại hơn Cựu Ước. Bây giờ chúng ta hãy xem nhiều bằng chứng Kinh Thánh hơn cho giáo huấn Công giáo về Đức Maria.
TRÁI ĐẤT MÀ AĐAM ĐƯỢC TẠO RA LÀ MỘT DỰ HÌNH CỦA MẸ MARIA VÀ SỰ BẢO TỒN KHỎI TỘI LỖI (VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI)
Chúng ta đã thiết lập rằng Chúa Giêsu Kitô là Ađam mới. Ađam được hình thành từ đất.
Từ tiếng Do Thái mang nghĩa “đất” là Ađamah. Đó là một danh từ cái. Ađam được đặt tên như thế bởi vì ông ta đến từ Ađamah; tên của ông ta có nghĩa là con trai của đất, con trai của Ađamah. (Điểm này được nêu bởi Gerry Matatics, Bible Foundations International, Dunmore, PA.)
Điểm này có thể được phát triển, nhưng rõ ràng là, ở một mức độ nhất định, Trái đất mà Ađam được tạo ra là một dự hình của Đức Maria. Ađam đầu tiên được Thiên Chúa tạo ra từ đất,và Ađam thứ hai (Chúa Giêsu Kitô) nhận lấy xác thịt từ Đức Maria, mẹ Người. Vì vậy, câu hỏi là: trạng thái của Trái đất là gì khi nó được tạo ra?
Trái đất mà từ đó Ađam đầu tiên được hình thành – và thực sự là toàn bộ sáng tạo của Thiên Chúa trước khi sa ngã – là hoàn hảo. Tội lỗi và lời nguyền không có chỗ trong đó.
Đức Maria, đấng sinh ra Ađam thứ hai và vĩ đại hơn (Chúa Giêsu Kitô), cũng phải hoàn hảo. Bà phải được bảo vệ khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi và khỏi lời nguyền của tội nguyên thuỷ. Đó là tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội.
CHỈ CÓ ĐỨC MARIA VÀ SỰ VÔ TỘI CỦA BÀ MỚI THÀNH TOÀN NHỮNG GÌ ĐƯỢC DỰ ĐOÁN TRONG SÁNG THẾ 3:15 – “TA SẼ GÂY MỐI THÙ GIỮA MI VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ…”
Ngay sau sự sa ngã của Ađam và Eva, Thiên Chúa đưa ra lời tiên tri này.
Thiên Chúa nói rằng sẽ có mối thù – sự thù địch, phân chia, chống đối – giữa Quỷ dữ và “người đàn bà.” Trong cùng một bối cảnh, chúng ta đọc về dòng giống của người phụ nữ, và chiến thắng sẽ được trao thông qua người phụ nữ và dòng giống của bà. Trong Kinh Thánh, con cái và hậu duệ của người đàn ông được gọi là dòng giống của anh ta. Do đó, dòng giống của người phụ nữ là một điều khá độc đáo. Nó đề cập đến một đứa trẻ được sản sinh chỉ bởi người đàn bà. Điều này rõ ràng đề cập đến việc thụ thai và sinh ra mà vẫn trinh khiết của bà Maria, mẹ Chúa Giêsu. “Dòng giống” của người đàn bà đề cập đến Chúa Giêsu Kitô.
Do đó, người đàn bà ở đây được xác định là có sự chống đối hoặc thù địch với con rắn rõ ràng là Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu Kitô. Người đàn bà không phải là Eva, người đã nhượng bộ con rắn. Đó phải là Đức Maria.
Thiên Chúa nói rằng Người sẽ gây mối thù hoặc sự đối lập giữa con rắn và người đàn bà. Kết quả là, Mẹ Maria phải được bảo vệ hoàn toàn khỏi tội lỗi. Vì khi ta phạm tội, ta không chống đối với Quỷ dữ, mà là nhượng bộ Quỷ dữ. Cách duy nhất người đàn bà có thể có sự đối lập hoàn toàn và dứt khoát đối với con rắn là được bảo vệ khỏi tội lỗi và khỏi tội lỗi của Ađam.
Sự thật là Đức Maria là “người đàn bà” này, và do đó hoàn toàn thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi và Quỷ dữ, là lý do mà Chúa Giêsu gọi mẹ Maria là “bà” trong suốt Tân Ước. Chúa Giêsu không bao giờ gọi mẹ mình cách khác từ “bà.” Nhiều người không Công giáo nghĩ rằng đây là cách Chúa Giêsu coi thường mẹ Người và hạ thấp vai trò của bà; Ngược lại, Chúa Giêsu đã xác định mẹ Maria là “người đàn bà” trong Sáng thế 3:15.
Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên bởi ơn chuyển cầu của mẹ Maria.
Việc đọc hời hợt Gioan 2:3-5 đã để lại cho nhiều người ấn tượng rằng Chúa Giêsu đang khiển trách mẹ Người trong tiệc cưới tại Cana. Tuy nhiên, nó thực sự cho thấy sức mạnh của ơn chuyển cầu của Đức Maria với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói rằng giờ của Người vẫn chưa đến; Nói cách khác, đây chưa phải là lúc để tỏ lộ sức mạnh kỳ diệu của Người. Dự định của Người là hãy chờ đợi lâu hơn. Tuy nhiên, dưới sự thúc giục của mẹ Maria, người có lòng trắc ẩn đối với cặp vợ chồng mới cưới, Chúa Giêsu cuối cùng cũng đã làm phép lạ. Người làm phép lạ này (đầu tiên) theo sự thúc giục của mẹ Maria, mặc dù giờ của Người “chưa đến.” Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách các ân sủng được xin từ Chúa Giêsu thông qua Mẹ Maria – những ân sủng mà Người có thể không sẵn sàng ban cho.
Nhiều người không Công giáo cũng phản đối rằng nếu mẹ Maria rất quan trọng, tại sao Chúa Giêsu lại cho phép các tác giả Phúc Âm dường như tạo ấn tượng rằng Người đang coi thường vị trí của mẹ Người? Họ cho rằng một số câu văn nhất định mang lại ấn tượng đó, hoặc không làm gì nhiều để xua tan ý niệm đó. Câu trả lời là Thiên Chúa không liệng châu ngọc cho heo (Mátthêu 7:6). Người thường hơi che đậy sự thật của Người, hoặc đặt chúng ngay dưới bề mặt, để những nỗ lực hời hợt hay những người không thành tâm sẽ lướt qua chúng hoặc có một ấn tượng sai lầm. Tuy nhiên, những ai kiên nhẫn hơn và đào sâu hơn – hoặc đơn giản là tin tưởng vào Hội Thánh mà Chúa Giêsu kiến lập – sẽ tìm thấy viên ngọc và ý nghĩa thực sự.
Điều này rất đúng trong trường hợp về giáo huấn của Kinh Thánh về vai trò sâu sắc của Mẹ Maria. Cách đọc hời hợt và những nỗ lực không thành tâm sẽ khiến nhiều người mù quáng trước điều đó. Nhưng nó có ngay trong Kinh Thánh. Mẹ Maria là Eva mới và là người đàn bà trong Sáng thế 3:15, như ta đã thấy. Bà cũng là Hòm Bia Tân Ước và nhiều hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy. Tất cả đều có trong các dự hình Kinh Thánh và trong nhiều đoạn cần hiểu sâu hơn; Nhưng rất nhiều người vẫn mù tịt về điều đó. Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe. Vì đã không tin tưởng vào Hội Thánh duy nhất mà Chúa Kitô đã kiến lập, đáng buồn thay họ chỉ có được một hiểu biết nông cạn và sai lầm về giáo huấn của Kinh Thánh.
Mặc dù những người phụ nữ khác đang ở dưới chân thập giá, Chúa Giêsu chỉ ra mẹ của Người. Chúa Giêsu một lần nữa gọi bà không gì khác ngoài từ “bà” (gunai) bởi vì mẹ Maria là người đàn bà trong Sáng thế 3:15: người hoàn toàn đối nghịch với con rắn. Chúa Giêsu cũng bảo Thánh Gioan hãy nhận mẹ Người như mẹ ông ta.
LINH HỒN MẸ MARIA NGỢI KHEN ĐỨC CHÚA, VÀ ĐẤNG TOÀN NĂNG ĐÃ LÀM CHO BÀ BIẾT BAO ĐIỀU CAO CẢ
Trong Luca 1, chúng ta thấy một cái nhìn thoáng qua về những đặc ân độc đáo mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria.
Kinh Thánh nói rằng linh hồn của mẹ Maria ngợi khen Đức Chúa; không phải làm suy giảm Người. Mẹ Maria không làm giảm giá trị Chúa Giêsu, nhưng dẫn ta đến với Chúa Giêsu. Hòm Bia Cựu Ước biểu thị sức mạnh và sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi ở với họ, nó dấy lên trong họ lòng sùng kính, tự tin và tình yêu với Đấng Toàn Năng. Theo một cách tương tự, nhưng vĩ đại hơn, mẹ Maria, Hòm Bia mới, dẫn dắt và hướng chúng ta cách mạnh mẽ đến Chúa Giêsu Kitô. Tất cả mọi thứ mẹ Maria có và tất cả những gì mẹ Maria là đến từ việc bà là mẹ của Chúa Giêsu Kitô. Người đã làm những điều cao cả cho bà bằng cách bảo vệ bà khỏi tội lỗi.
Ta cũng nên đặc biệt chú ý về Luca 1:48, trong đó mẹ Maria tiên tri rằng “hết mọi đời” sẽ ngợi ca bà diễm phúc. Đây là một lời tiên tri về lời cầu nguyện Công giáo, Kinh Kính Mừng. Trong nhiều thế hệ, người Công giáo đã cầu nguyện: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”
KINH THÁNH NÓI RẰNG ĐỨC MARIA “ĐẦY ÂN SỦNG,” CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ TỘI LỖI
Các bản Kinh thánh Tin lành hiện đại không dịch Luca 1:28 là “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.” Chúng đọc: “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi” hoặc đại loại như thế. Các bản Tin lành dịch sai. Có một vài cách đơn giản để chứng minh rằng họ đã sai. Từ trong tiếng Hy Lạp gốc là kecharitomene. Từ này liên quan trực tiếp đến khái niện “ân sủng.” Các học giả tiếng Hy Lạp chỉ ra rằng kecharitomene xuất phát từ từ gốc charis, có nghĩa đen là “ân sủng.” Trong số khoảng 150 lần xuất hiện, bản King James (một bản Kinh thánh Tin lành) dịch charis là “ân sủng” 129 lần.
Cũng cực kỳ đáng lưu ý là trong các bản Kinh thánh Tin lành đầu tiên, Luca 1:28 được dịch là “đầy ân sủng” hoặc tương đương. Nhà cải cách Tin lành nổi tiếng William Tyndale (1494-1536) được coi là anh hùng trong một số người Tin lành. Phiên bản Kinh Thánh của ông được dịch sang tiếng Anh hiện đại đầu tiên vào khoảng năm 1525. Tyndale dịch Luca 1:28 là: “Hayle full of grace (đầy ân sủng) ye Lorde is with ye: blessed arte thou amonge wemen.” (http://wesley.nnu.edu/biblical_studies/tyndale/) Thomas Cranmer (1489-1556) cũng dịch đoạn văn là “đầy ân sủng.”
Thánh Giêrôm (347-420 AD) là học giả Kinh Thánh của Hội Thánh cổ. Ngay cả các dịch giả Tin lành cho bản Kinh thánh King James năm 1611 cũng gọi Thánh Giêrôm là “một giáo phụ uyên bác nhất, và không nghi ngờ gì là nhà ngôn ngữ học giỏi nhất, ở thời đại của ông, hoặc trước ông” (Từ lời nói đầu của Dịch giả bản KJV năm 1611). Thánh Giêrôm dịch “kecharitomene” là “gratiae plena” có nghĩa là “đầy ân sủng mà bà đã nhận được” trong bản Latin Vulgate. “Ân sủng” cũng được chấp nhận như là bản dịch thích hợp trong bản Tân Ước Rheims năm 1582.
Cuốn Word Pictures of the New Testament, của học giả tiếng Hy Lạp Tin lành nổi tiếng A.T. Robertson, nói điều này về Luca 1:28:
Nếu Mẹ Maria “đầy ân sủng,” điều đó tự nó mạnh mẽ đề xuất rằng Đức Bà không có tội lỗi. Vì ân sủng đối lập với tội lỗi. Thiên thần không nói rằng Đức Maria sẽ trở nên đầy ân sủng, nhưng khi gặp mẹ Maria, bà đã ở trong trạng thái đó. Bà được thụ thai trong trạng thái đó. Hơn nữa, mẹ Maria được gọi là “có phúc lạ hơn mọi người nữ” bởi vị trí của bà là độc nhất.
MẸ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH
Chúng ta đã thấy rằng mẹ Maria là Eva mới và Hòm Bia mới. Giờ đây chúng ta hãy nhìn vào bằng chứng Kinh Thánh cho việc mẹ Maria trọn đời đồng trinh. Hầu hết những người Tin lành thời đại chúng ta từ chối điều này; Họ nghĩ rằng nó mâu thuẫn với Kinh Thánh. Nhiều người trong số họ sẽ bị sốc khi phát hiện ra những người Tin lành đầu tiên, bao gồm Martin Luther, John Calvin, Huldrych Zwingli và những người khác đều tin rằng mẹ Maria trọn đời đồng trinh. Ý nghĩ mẹ Maria không còn là một trinh nữ và có những đứa con khác ngoài Chúa Giêsu đã được phát minh nhiều thế hệ sau cuộc “cải cách” Tin lành ban đầu. Do đó, quan điểm Tin lành về vấn đề này không chỉ mâu thuẫn với truyền thống Công giáo cổ và Kinh Thánh (như chúng ta sẽ thấy), mà còn là với “truyền thống” Tin lành của chính họ.
MÁTTHÊU 1:25 KHÔNG BÁC BỎ VIỆC MẸ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH
Điều đầu tiên mà người Tin lành thường trích dẫn chống lại việc mẹ Maria trọn đời đồng trinh là Mátthêu 1:25.
Theo những người Tin lành, điều này chứng tỏ rằng Đức Maria đã không còn là một trinh nữ sau khi Chúa Giêsu ra đời. Điều này hoàn toàn sai lầm. Từ Hy Lạp có nghĩa là “cho đến khi” (heos) không ngụ ý rằng ông thánh Giusê có quan hệ hôn nhân với Maria sau khi Chúa Giêsu Kitô ra đời. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là họ không có mối quan hệ nào cho đến thời điểm đó, mà không nói bất cứ điều gì về những gì đã xảy ra sau thời điểm ấy. Điều này được chứng minh dưới đây bởi nhiều đoạn văn. Chúng ta cũng nên nhớ rằng Kinh Thánh đã được viết cách đây vài ngàn năm. Nó được viết tại một thời điểm và bằng các ngôn ngữ không thể hiện và ngụ ý mọi thứ giống như cách chúng sẽ được thể hiện và ngụ ý bằng ngôn ngữ hiện đại.
Chẳng hạn, trong 2 Samuen 23, chúng ta đọc được rằng Thiên Chúa nguyền rủa bà Mikhan, vợ vua Đavít. Người nguyền rủa cô vì cô chế giễu cách Đavít vui mừng trước Hòm Bia. Kết quả là, Mikhan không có con “cho đến” ngày cô qua đời.
Điều này có nghĩa là Mikhan bắt đầu có con sau khi chết? Rõ ràng là không. Câu này chứng minh rằng khi Kinh Thánh mô tả một việc gì đó là đúng “cho đến khi” hoặc “trước” một điểm nhất định, không nhất thiết có nghĩa việc đó không còn đúng sau thời điểm ấy. Dưới đây là nhiều ví dụ khác về điều này:
Câu văn này đề cập đến Con Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là Người sẽ ngừng ngự bên hữu Chúa Cha sau khi kẻ thù của Thiên Chúa làm bệ chân Người? Rõ ràng là không. Người vẫn sẽ ở bên hữu Đức Chúa Cha.
Điều này có nghĩa là họ nên từ bỏ việc giảng sách và răn khuyên sau khi ông đến? Hiển nhiên là không.
Điều này có nghĩa là ông Phaolô nhất thiết phải không còn có lương tâm ngay thẳng sau ngày hôm đó? Hiển nhiên là không.
Giới từ “trước” có thể được sử dụng theo cùng một cách.
Ở đây chúng ta thấy rằng từ “trước” có thể được sử dụng theo cách tương tự như cụm từ “cho đến khi.” Đứa trẻ này không chết; Chúa Giêsu chữa lành cho nó (Gioan 4:50). Do đó, tuyên bố trong Mátthêu 1:18, được trích dẫn dưới đây, rằng Mẹ Maria đã có đứa trẻ “trước khi” bà và ông Giusê đến với nhau, không có nghĩa là họ đến với nhau sau khi bà đã có đứa trẻ. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là bà đã mang thai mà không có bất kỳ quan hệ hôn nhân nào.
Do đó, khá chắc chắn rằng Mátthêu 1:25 và Mátthêu 1:18 không mâu thuẫn với việc Mẹ Maria trọn đời đồng trinh theo bất kỳ cách nào. Người Tin lành không thể tuyên bố cách hợp pháp rằng những đoạn này tạo thành bằng chứng cho thấy Đức Maria không còn là trinh nữ. Những đoạn này cũng không chứng minh việc mẹ Maria trọn đời đồng trinh. Điều đó được chứng minh từ những câu khác trong Kinh Thánh.
CÒN ĐỨA CON “ĐẦU LÒNG” – ĐIỀU ĐÓ KHÔNG NGỤ Ý CÒN CÓ NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÁC?
“Con trai đầu lòng” (primogenitum) là một danh hiệu pháp lý được trao cho đứa bé trai sinh ra đầu tiên trong một gia đình Do Thái: nói cách khác, nó được trao cho một đứa bé trai đồng thời là con đầu lòng.
Thiên Chúa đặc biệt ra lệnh cho dân Israel thánh hóa (tức là tách biệt) những đứa con trai đầu lòng của họ để đặc biệt dâng hiến và phục vụ cho Thiên Chúa. Tước hiệu “con trai đầu lòng” có tầm quan trọng hơn vì nó cho phép đứa trẻ đó được hưởng hai phần sản nghiệp (Đnl. 21:17). Tước hiệu “con trai đầu lòng” này được trao cho đứa trẻ bất kể người phụ nữ có đứa con nào khác sau đó hay không. Ví dụ: “chúng ta có thể thấy điều này từ dòng chữ trên một ngôi mộ Hy Lạp tại Tel el Yaoudieh (xem “Biblica” 11, 1930 369-90) cho một người mẹ đã chết khi sinh con: “Trong nỗi đau sinh con đầu lòng, số phận đã đưa tôi đến cuối đời.” (Trích trong “Brothers and Sisters of Jesus” [Anh chị em của Chúa Giêsu] bởi William Most)
Trong Xuất hành 13 và 34, ta đọc về yêu cầu của Thiên Chúa rằng đứa con đầu lòng phải được dâng hiến cho Người. Có một buổi lễ để “hiến thánh đứa con đầu lòng” (Xuất hành 13 và 34:20). Không phải là họ trì hoãn buổi lễ cho “đứa con đầu lòng” cho đến sau khi người phụ nữ có đứa con thứ hai.
Do đó, tuyên bố rằng Chúa Giêsu là “con trai đầu lòng” của mẹ Maria (Luca 2:7) không mâu thuẫn với việc mẹ Maria trọn đời đồng trinh. Nó chỉ đơn giản có nghĩa Người là trưởng nam của bà. Nó không nói gì về việc liệu có ai sau đó ra đời hay không.
CÒN “ANH EM” CỦA CHÚA GIÊSU THÌ SAO?
Người không Công giáo thường đưa ra những đoạn đề cập đến “anh chị em” của Chúa Giêsu. Trước hết, phải nhắc đến rằng chưa một lần những “anh em” này được mô tả là con bà Maria, mẹ Chúa Giêsu.
Trong bản gốc tiếng Hy Lạp, các từ được sử dụng là adelphoi (“anh em”) và adelphe (“chị em”). Các từ adelphoi và adelphe có thể đề cập đến anh chị em thực sự. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng sử dụng những từ này để mô tả những người không phải là anh em, mà là anh em họ hoặc người thân hoặc anh em kế hoặc hàng xóm thân thiết.
KINH THÁNH NÓI RẰNG ÁPRAHAM LÀ ANH TRAI CỦA LÓT, NHƯNG ÔNG TA KHÔNG THỰC SỰ THẾ.
Lót là cháu trai của Ápraham. Ápraham là chú của ông (xem Sáng thế 11:31; 14:12). Tuy nhiên, Kinh Thánh đã hai lần mô tả Lót là “anh em” của Ápraham. Đó là bởi vì từ “anh em” không nhất thiết mang nghĩa là anh em ruột. Như đã nói ở trên, nó có thể có nghĩa là một người anh em họ hoặc một người thân hoặc một người anh em kế hoặc một người bạn thân của gia đình.
St.14:14 – “Khi nghe tin người anh em [Lót] của mình bị bắt…”
Lót là cháu trai của Ápraham
Kinh Thánh cũng gọi Lót là “anh em” của ông
St. 11:27 –“Đây là gia đình ông Terác: Ông Tera sinh ra Ápram, Nakho và Haran. Haran sinh ra Lót.”
St. 12:5 – “Ông Ápram đem theo vợ là bà Xarai, cháu là ông Lót,…”
St. 14:12 – “Họ bắt ông Lót, cháu ông Ápram, cùng với tài sản của ông, rồi đi; bấy giờ ông Lót đang ở Sođôm.”
St. 14:14 – “Khi nghe tin người anh em [Lót] của mình bị bắt…”
St. 14:16 – “Ông đưa cả ông Lót, người anh em của ông…”
Một số người Tin lành cố gắng đáp lại điều này bằng cách lập luận rằng Cựu Ước không được viết bằng tiếng Hy Lạp, mà là tiếng Do Thái. Do đó, họ nói, trường hợp của Lót không chứng minh rằng adelphos có thể đề cập đến một người không phải là anh em theo nghĩa đen. Điều này bị bác bỏ bằng cách chỉ ra rằng trong khi Cựu Ước ban đầu được viết bằng tiếng Do Thái, nó đã được dịch sang tiếng Hy Lạp bởi bảy mươi học giả một vài thế kỷ trước khi Chúa Kitô quang lâm. Bản dịch nổi tiếng này được gọi là bản dịch bảy mươi (Septuagint).
Bản dịch tiếng Hy Lạp này của Cựu Ước, bản bảy mươi, được trích dẫn khoảng 300 lần bởi các tác giả Tân Ước được linh hứng. Điều đó có nghĩa các tác giả Tân Ước đã chấp nhận bản bảy mươi. Trong bản bảy mươi, cùng một từ Hy Lạp adelphos được sử dụng để mô tả Lót là anh em của Ápraham. Adelphos là dạng số ít của adelphoi, từ được sử dụng trong Tân Ước cho “anh em” của Chúa Giêsu. Do đó, Cựu Ước sử dụng adelphos để mô tả một người không phải là anh em đúng nghĩa.
Nhưng vấn đề này cũng có thể được chứng minh từ Tân Ước. Trong Công vụ 3:17 và Rôma 9:3, chúng ta thấy rằng adelphoi (anh em) được sử dụng để mô tả những người có cùng quốc tịch không phải là anh chị em ruột. Hãy xem những câu văn trên là đòn chí mạng đối với lập luận Tin lành ở vấn đề này.
Hơn nữa, trong Luca 10:29, Mátthêu 5:22 và Mátthêu 7:3, chúng ta thấy rằng adelphos (“anh em”) được sử dụng cho hàng xóm, không nhất thiết là anh chị em ruột.
NHƯNG CÓ MỘT TỪ HY LẠP CHO ANH EM HỌ, ANEPSIOS; NẾU CÁC ANH EM CỦA CHÚA GIÊSU LÀ ANH EM HỌ, CHỨ KHÔNG PHẢI ANH EM, TẠI SAO ANEPSIOS KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG?
Giáo hội Công giáo dạy rằng mẹ Maria trinh khiết vĩnh viễn và không có con cái nào khác. Giáo hội Công giáo không dạy rằng tất cả “anh em” của Chúa Giêsu nhất thiết phải là anh em họ của Người. Họ có thể là người thân mở rộng hoặc bạn bè thân thiết hoặc những người được coi là một phần của gia đình theo hôn nhân hoặc luật pháp hoặc quê hương. Chẳng hạn, trong 2 Samuen 1:26, vua Đavít gọi Giônathan là “anh.” Giônathan và Đavít không phải là anh em hay anh em họ. Đavít đã kết hôn với em gái của Giônathan, bà Mikhan, con gái vua Saun. Đavít kết hôn vào trong gia tộc.
Số lượng “anh em” của Chúa Giêsu (adelphoi) được đề cập trong Kinh Thánh dường như cho thấy một vài người trong số họ thậm chí không phải là người thân mở rộng, mà được coi là một phần của gia đình theo những cách khác. Nếu ngay cả một hoặc một vài người trong số họ không phải là anh em họ, mà là người thân hoặc hàng xóm hoặc bạn bè thân thiết của gia đình, thì từ adelphoi sẽ được sử dụng. Do đó, việc từ dành cho anh em họ không được sử dụng không chứng minh rằng Maria có những đứa con khác.
BẰNG CHỨNG TỪ MÁTTHÊU 27:56 CHO THẤY “ANH EM” CỦA CHÚA GIÊSU KHÔNG PHẢI LÀ ANH EM HỌ CỦA NGƯỜI
Giacôbê và Giôxếp là hai trong số những cái tên cho “anh em” của Chúa Giêsu. Có thể được chứng minh, bằng những điểm sau đây, rằng họ là con cái của một người phụ nữ khác chứ không phải anh em của Chúa Giêsu. Hãy cẩn thận dõi theo phân tích này.
Có ba người phụ nữ ở dưới Thập giá: 1) Mẹ Maria (mẹ Chúa Giêsu); 2) Maria vợ của Clôpa (người được gọi là chị của mẹ Maria); Và 3) bà Maria Mácđala.
Bà Maria, vợ ông Clôpa, cũng được mô tả là “một bà khác cũng tên là Maria” trong Mátthêu 28:1. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Giacôbê và Giôxếp là con của bà Maria này:
Thánh Tông Đồ Giuđa Thađeô, anh em họ đời thứ nhất của Chúa Giêsu.
Do đó, Giacôbê và Giôxếp (những người được gọi là “anh em” của Chúa Giêsu) không phải là anh em ruột, mà ít nhất là anh em họ của Người. Tuy nhiên, họ có lẽ thậm chí không phải là anh em họ đời thứ nhất. Điều này là do bà Maria vợ ông Clôpa (mẹ của Giacôbê và Giôxếp), người được gọi là “chị” của mẹ Chúa Giêsu (Gioan 19:25), cũng được đặt tên là Maria. Rất khó có khả năng hai chị em trong một gia đình Do Thái sẽ được đặt cùng tên. Nhiều khả năng họ không phải là chị em, mà là thành viên của cùng một gia tộc được gọi là “chị em” giống như cách Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa được gọi là “anh em” của Chúa Giêsu. Tất cả những điều này cho thấy rằng không có tuyên bố nào trong Kinh Thánh về các anh chị em của Chúa Giêsu bác bỏ, theo bất kỳ cách nào, việc mẹ Maria trọn đời đồng trinh. Giờ đây chúng ta hãy nhìn vào bằng chứng rằng mẹ Maria không có con cái nào khác và rằng bà đã luôn là một trinh nữ.
GIOAN 19:26 CHỨNG MINH RẰNG MẸ MARIA KHÔNG CÓ CON NÀO KHÁC NGOÀI CHÚA GIÊSU
Trong khi chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu giao phó mẹ của Người cho sự chăm sóc của Thánh Gioan.
Các học giả chỉ ra rằng đây là một hành động ủy thác chính thức. (Gerry Matatics, Op. cit.) Chúa Giêsu giao phó người mẹ cho Thánh Gioan để ông chăm sóc bà. Nếu Maria có những đứa con khác, như những người Tin lành tranh luận, Chúa Giêsu sẽ không bảo Thánh Gioan nhận bà Maria là mẹ của mình. Bà sẽ được giao phó vào sự chăm sóc của một trong nhiều “anh em” của Người. Việc Chúa Giêsu giao phó Đức Maria cho Thánh Gioan chứng tỏ rằng bà không có con cái nào khác.
Những người Tin lành cố gắng đáp lại chi tiết này bằng cách lập luận rằng “anh em” của Chúa Giêsu không phải là tín hữu và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu giao phó bà cho Thánh Gioan. Tuy nhiên, điều đó bị bác bỏ bởi Công vụ 1:14. Câu văn chỉ ra rằng “anh em” của Chúa Giêsu là những tín hữu. Chúa Giêsu chắc chắn biết rằng họ đã hoặc sẽ trở thành tín hữu và do đó Người sẽ không ủy thác bà cho Thánh Gioan nếu họ là anh chị em của Người.
Điều khá quan trọng là khi Chúa Giêsu được tìm thấy trong đền thờ lúc 12 tuổi, không có dấu hiệu nào cho thấy bà Maria và ông Giuse có những đứa con khác (Luca 2:41-51). Dấu hiệu cho thấy Người là đứa con duy nhất. Người còn được gọi là “con (xác định) bà Maria” [ho huios marias] (Máccô 6:3), không phải chỉ là một người con trai của mẹ Maria [huios marias]. Đức Maria chưa bao giờ được biết là có người con khác.
CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC MARIA VỚI THIÊN THẦN TRONG LUCA 1 CHO THẤY BÀ ĐÃ THỀ SẼ TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH.
Thiên thần xuất hiện với Đức Maria và nói rằng bà sẽ thụ thai và sinh con. Đức Maria trả lời rằng: “Ðiều ấy sẽ làm sao được? vì việc phu thê tôi không nghĩ đến.” Ý nghĩa thực sự là: điều này sẽ như thế nào vì tôi là một trinh nữ. Chuyện này sẽ như thế nào? Mẹ Maria hiểu những đứa trẻ được thụ thai như thế nào. Câu trả lời của bà chỉ có ý nghĩa nếu bà đã thực hiện một lời thề trọn đời đồng trinh. Bà hỏi làm thế nào bà có thể thụ thai trong khi là trinh nữ.
Cũng cần phải chỉ ra hôn ước giữa bà Maria với ông Giusê không mâu thuẫn với ý nghĩ rằng bà đã thực hiện một lời thề như vậy. Hành vi đạo đức vào thời điểm đó ra lệnh rằng phụ nữ cam kết trọn đời đồng trinh sẽ có một người nam bảo vệ và tôn trọng lời thề. Đó là vai trò của ông Giusê.
KHÔNG THỂ TƯỞNG TƯỢNG ĐƯỢC RẰNG HÒM BIA TÂN ƯỚC SẼ CÓ QUAN HỆ HÔN NHÂN
Chúng ta đã thấy Kinh Thánh dạy rằng Đức Maria là Hòm Bia Tân Ước. Là sinh vật thiêng liêng nhất trên Mặt đất và là nơi ngụ của Đấng Tối Cao, hoàn toàn không phù hợp – hoàn toàn không phù hợp với phẩm giá và vai trò của Hòm Bia – khi nghĩ rằng bà sẽ có bất kỳ quan hệ hôn nhân nào. Để chuẩn bị dân chúng cho việc Thiên Chúa quang lâm đỉnh Sinai, ông Môsê nói:
Khi Đavít đang chạy trốn và cần bánh mì của tư tế, ta đọc:
Hòm Bia được tạo ra vì một lý do vĩ đại và thiêng liêng hơn, và sẽ không bao giờ có quan hệ hôn nhân. Oza bị đánh chết chỉ vì chạm vào Hòm Bia khi anh ta không nên làm như vậy (2 Samuen 6:6-8).
EZECHIEL 44 VÀ LỜI TIÊN TRI VỀ CÁNH CỔNG ĐÓNG LÀ MỘT LỜI TIÊN TRI VỀ VIỆC ĐỨC MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH
Ở đây chúng ta thấy rằng Thiên Chúa sẽ đi qua cánh cổng này, và không ai khác sẽ đi qua nó. Đây là một lời tiên tri về việc mẹ Maria trọn đời đồng trinh. Bà là cánh cổng đóng, qua đó Thiên Chúa đến. Đó là một lý do tại sao Maria được gọi là “Cổng thiên đàng” trong các tác phẩm Công giáo truyền thống.
VIỆC MẸ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH ĐÃ ĐƯỢC TIN GIỮ VỮNG CHẮC TRONG HỘI THÁNH KITÔ GIÁO CỔ
Một số người Tin lành và hầu hết các thành viên của Giáo hội “Chính thống” giáo tuyên bố tôn vinh Công đồng Constantinopolis II. Đây là công đồng đại kết thứ năm. Như chúng ta thấy ở đây, Công đồng rõ ràng đã việc dạy mẹ Maria trọn đời đồng trinh.
Hội thánh Kitô giáo cổ tin rằng mẹ Maria trọn đời là nữ trinh. Vào thế kỷ thứ tư, Thánh Giêrôm, ông tổ ngành Kinh Thánh học và là người đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin, đã bảo vệ sự thật này chống lại Helveticus, một lạc giáo đồ phủ nhận điều đó. Như đã đề cập, ngay cả những người Tin lành đầu tiên, bao gồm Luther, Calvin và Zwingli, cũng chấp nhận việc mẹ Maria trọn đời đồng trinh.
BẰNG CHỨNG KINH THÁNH CHO TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI VÀ CHỨC NỮ VƯƠNG
Giáo hội Công giáo dạy rằng, sau cuộc đời của bà trên mặt đất, cả linh hồn và thân xác mẹ Maria được thăng thiên. Thi thể bà không bị lưu lại trong phần mộ và bị phân huỷ, vì đây là một hình phạt cho tội nguyên thuỷ, mà bà không có. Vì bà không phải vướng tội nguyên thuỷ và là Hòm Bia đặc ân, mẹ Maria đã được đưa trực tiếp lên Thiên đàng, cả xác lẫn hồn. Đó được gọi là tín điều Đức mẹ hồn xác lên trời.
Những người không Công giáo tuyên bố không có bằng chứng trong Kinh Thánh cho việc mẹ Maria hồn xác lên trời. Ngược lại, chúng ta tìm thấy một mô tả về điều đó trong Khải Huyền chương 12
Người phụ nữ trong Khải Huyền 12:1 đại diện cho một số điều. Các Giáo phụ Hội thánh hiểu rằng điều đó biểu thị mẹ Chúa Giêsu; Họ cũng hiểu điều đó biểu thị, ở một mức độ nhất định, Hội Thánh. Không nghi ngờ gì chi tiết này biểu thị Đức Maria, vì Con của người phụ nữ này là đấng cai trị muôn dân bằng trượng sắt (Kh. 12:5). Đó là Chúa Giêsu, tất nhiên; Và do đó, người mẹ phải là Đức Maria. Do đó, Khải Huyền chương 12 cung cấp cho chúng ta một bức tranh rõ ràng về Đức Maria được đưa lên Thiên đàng và được đặt làm Nữ vương thiên đàng.
Kinh Thánh cũng cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về việc Mẹ Maria hồn xác lên trời trong Thánh vịnh 132:8.
Bài thánh vịnh lý thú này nói về việc Thiên Chúa và Hòm Bia được thăng thiên hoặc được đưa đến chốn an nghỉ vĩnh viễn. Đây là hình ảnh Đức Bà lên trời; Vì Chúa Giêsu là Chúa và mẹ Maria là Hòm Bia mới, như chúng tôi đã chỉ ra. Cả hai đều được đưa lên thiên đàng, thân xác và linh hồn. Chúa Giêsu tự mình thăng thiên; Mẹ Maria được Chúa Giêsu đưa lên.
Nếu Hòm Bia Cựu Ước được mang đến nơi an nghỉ, thì Hòm Bia Tân Ước và vĩnh cửu còn hơn thế bao lần? Chúng ta cũng thấy rằng Hòm Bia được nói đến như được thánh hóa.
VIỆC MẸ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI LÀ HỆ QUẢ LOGIC TỪ VIỆC BÀ KHÔNG VƯỚNG PHẢI TỘI LỖI
Việc mẹ Maria hồn xác lên trời là hệ quả hợp lý từ việc bà được bảo vệ khỏi cả tội nguyên thuỷ lẫn tội riêng. Việc thân xác bị mục nát trong phần mộ là hậu quả của tội nguyên thuỷ (Sáng thế 3:19). Hầu hết người Tin lành sẽ đồng ý về điểm này. Là Hòm Bia mới, mẹ Maria không có tội nguyên thuỷ. Kết quả là, bà đã thoát khỏi hậu quả của nó. Vì thế, Thiên Chúa không để cho cơ thể bà bị mục nát.
Thánh vịnh này, nói về Thiên Chúa không cho phép người thành tín bị hư nát trong phần mộ, được trích dẫn trong Tân Ước trong Công vụ chương 2. Nó đề cập đến Chúa Giêsu.
Tương tự như vậy, bởi vì mẹ Maria được tạo ra không vướng tội lỗi nào, bà không phải chịu bất kỳ sự hư nát nào trong thân xác trong ngôi mộ và được hồn xác lên trời.
HÒM BIA ĐƯỢC LÀM BẰNG GỖ BẤT KHẢ HOẠI
Hòm giao ước cũ được làm bằng gỗ setim (hoặc shittim), một loại gỗ keo bất khả hoại.
Gỗ Setim cực kỳ bền đến nỗi bản bảy mươi, bản tiếng Hy Lạp của Cựu Ước, thực sự dịch từ này là gỗ “bất khả hoại” hoặc “không thể hư mục.” Nếu Hòm Bia Cựu Ước là bất khả hoại, thì Hòm Bia Tân Ước còn sẽ được bất khả hoại hơn bao nhiêu lần. Thiên Chúa quy định cụ thể loại gỗ bất khả hoại để xây dựng Hòm Bia vì đây là dự hình cho thân xác và linh hồn bất khả hoại của Hòm Bia mới, Đức Trinh Nữ Maria.
VIỆC MẸ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI KHÔNG MÂU THUẪN VỚI THỰC TẾ KINH THÁNH
Một số người nghĩ thật hão huyền cho rằng mẹ Maria có thể được đưa lên trời một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tiên tri Êlia đã được đưa lên trời một cách kỳ diệu (2 Vua 2:1,11). Chúng ta cũng đọc rằng Khanốc đã được đưa lên trời một cách kỳ diệu để đi cùng với Đức Chúa (Dt. 11:5; St. 5:24). Điều đó cũng được dạy tường minh trong Kinh Thánh – và là một tín điều trong đức tin Kitô giáo cổ – rằng tất cả mọi người, dù tốt hay xấu, sẽ được đoàn tụ cách kỳ diệu với cơ thể của họ trong cuộc phán xét cuối cùng, sự phục sinh của cả người công chính và những kẻ hư mất (1 Cor. 15). Vì thế, điều đó không trái với thực tế Kinh Thánh – mà trùng khớp chính xác – tin rằng mẹ Maria được đưa lên trời bởi vì bà là Hòm Bia hoàn hảo của Thiên Chúa và không vướng tội lỗi.
KINH THÁNH CHỈ RA MẸ MARIA LÀ “NỮ VƯƠNG” TRONG VƯƠNG QUỐC CỦA CHÚA GIÊSU
Mẹ Maria, nữ vương Thiên đàng
Thiên Chúa đã lập một giao ước với Đavít để thiết lập một vương quốc. Chế độ quân chủ nhà Đavít, Nước Trời trên mặt đất, được dự định là một nguyên mẫu cho Nước Trời thiêng liêng mà Chúa Giêsu Kitô sẽ thiết lập. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu được gọi là con vua Đavít trong Tin Mừng. Đó là lý do tại sao chính Thánh Phêrô nói trong Công vụ 2:30 rằng Chúa Giêsu ngồi trên ngai vàng vua Đavít. Luca 1:32 nói như sau về Chúa Giêsu:
Trong chế độ quân chủ Do Thái, người phụ nữ quyền lực, được tôn vinh và quan trọng nhất trong Vương quốc là mẹ của nhà vua. Bà được mệnh danh là “Thái Hậu.” Trong tiếng Do Thái, bà được gọi là “Gebirah.” Gebirah, Thái Hậu của Vương quốc, có một sức ảnh hưởng đặc biệt với nhà vua. Ảnh hưởng, quyền lực và uy tín của bà đã vượt qua vợ của nhà vua. Chúng ta thấy rõ ảnh hưởng và sức ảnh hưởng đặc biệt của “Thái Hậu” trong 1 Vua 1, 2.
Mẹ của vua Salômôn là bà Bát Seva. Sức mạnh và ảnh hưởng của bà Bát Seva với tư cách là Thái hậu lớn đến nỗi ông Ađônigiahu đã nói điều này với bà:
Ađônigiahu hiểu vị trí và quyền lực của bà Thái hậu. Tuy nhiên, yêu cầu mà Ađônigiahu đưa ra là phi lý. Ađônigiahu muốn kết hôn với Avisác, người vợ cuối cùng của vua Đavít. Bằng cách đưa cô về làm vợ, Ađônigiahu có thể tự nhận ngai vàng của Salômôn. Đó là lý do tại sao nhà vua không thể chấp nhận yêu cầu này.
Mặc dù yêu cầu của Ađônigiahu là không hợp lý và sẽ không bao giờ được nhà vua chấp thuận, điều này cho thấy người ta nhận ra rằng Thái Hậu có một sức mạnh ảnh hưởng độc đáo và sâu sắc với Đức vua. Ảnh hưởng này lớn đến nỗi Ađônigiahu nói: “vì người không ngoảnh mặt từ chối bà đâu.”
Những câu tiếp theo thậm chí còn làm sáng tỏ hơn về sự thật này. Trong 1 Vua 2:19, chúng ta đọc rằng bà Bát Seva (Thái Hậu) đã đi vào để nói chuyện với vua Salômôn xin ân huệ ấy. Khi bà bước vào, nhà vua sấp mình trước bà và đặt một ngai vàng cho bà bên cạnh ông ta.
KINH THÁNH CHO TA THẤY BÀ THÁI HẬU CÓ MỘT NGAI VÀNG VÀ VINH DỰ ĐỘC ĐÁO
Như chúng ta có thể thấy, Kinh Thánh dạy rằng Thái hậu được tôn vinh trên ngai vàng với nhà vua. Bà không ngang bằng nhà vua, tất nhiên; nhưng bà được vinh danh cùng ông với tư cách là Nữ vương của Vương quốc. Ở đây ta thấy một mô tả hoàn hảo về chức Nữ vương của Đức Trinh Nữ Maria và ảnh hưởng của bà với Đức vua. Bà là Thái hậu trong Vương quốc Chúa Giêsu. Mẹ Maria kém hơn vô cùng so với người con thiêng liêng của mình. Tuy nhiên, bà là Hòm Bia hoàn hảo, Nữ vương của Trời và Đất.
Đây là lý do tại sao mẹ Maria có một quyền năng lớn như vậy trên Thiên đàng dưới Con của bà – một quyền năng và ảnh hưởng lớn hơn những gì Thái Hậu thời Cựu Ước đã có đối với Nhà vua. Đó là lý do tại sao việc xin ân huệ từ bà thật hữu hiệu, vì bà có thể xin chúng từ Chúa Giêsu. Bà được đặt, trong Vương quốc Chúa Giêsu, bên cạnh Người là Nữ vương Trời Đất.
Trong Thánh vịnh 45, chúng ta cũng thấy một tham chiếu đến ngai vàng của Thiên Chúa và Nữ vương với Người:
KINH KÍNH MỪNG VÀ CHUỖI MÂN CÔI CÓ LÀ NHỮNG LỜI LẶP VÔ ÍCH BỊ CHÚA GIÊSU LÊN ÁN?
Một số người không Công giáo cho rằng những lời cầu nguyện Công giáo như Kinh Kính Mừng và Chuỗi Mân Côi bị Chúa Giêsu lên án.
Giống như những vấn nạn khác mà chúng ta đã đề cập, vấn nạn này cũng bị bác bỏ bằng việc xem xét Kinh Thánh sâu sắc hơn. Có lẽ ví dụ tốt nhất để bác bỏ vấn nạn Tin lành về điểm này là Khải Huyền 4:8.
Các thiên thần trên thiên đàng lặp đi lặp lại, cả ngày lẫn đêm, “Thánh, thánh, chí thánh.” Ý nghĩ rằng tất cả những lời cầu nguyện có chứa sự lặp lại là “ngoại giáo” không thể sai lầm hơn.
Trong Mátthêu 6:7, Chúa Giêsu không lên án những lời cầu nguyện có chứa những lời được lặp đi lặp lại; Người cũng không lên án việc lặp lại cùng một lời cầu nguyện nhiều lần (ví dụ, đọc Kinh Lạy Cha hay Kinh Kính Mừng năm lần liên tiếp). Không, Người đang lên án các hành vi của dân ngoại. Họ nghĩ rằng họ có thể làm hài lòng tà thần của họ bằng tài hùng biện và bài phát biểu phức tạp. Họ nghĩ rằng họ phải nói chính xác những điều và từ ngữ và tên vào những ngày nhất định, kẻo các “vị thần” của họ không nghe thấy hoặc nhớ điều họ cần. Chúa Giêsu đang lên án lối ngoại giáo của họ. Người đang dạy rằng Thiên Chúa thực sự biết tất cả mọi thứ.
Có những điểm khác xóa bỏ kháng bác Tin lành về vấn đề này. Trong Thánh vịnh 136, chúng ta được dạy hãy cầu nguyện vinh danh và tạ ơn lặp lại cùng một cụm từ – “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” – tổng cộng 26 lần liên tiếp!
Chúa Giêsu lặp lại cùng lời cầu nguyện ba lần liên tiếp, khi cầu nguyện với Cha Người trong Vườn Ghếtsêmani. Điều đó có thể đọc được trong Mátthêu 26:39, Mátthêu 26:42, và Mátthêu 26:44. Trong Mátthêu 20:29-33, Chúa Giêsu đáp lại lời cầu nguyện lặp đi lặp lại của những người mù xin hãy thương xót họ.
Như chúng ta có thể thấy, Kinh Thánh chứa đựng nhiều ví dụ trong đó những lời cầu nguyện cho Thiên Chúa thực sự được lặp lại. Chúng không cấu thành “những lời lải nhải” của dân ngoại. Thực thế, những lời cầu nguyện của Giáo hội Công giáo cho mẹ Maria trong Kính Mừng và Chuỗi Mân Côi được dự đoán bởi chính mẹ Maria trong Luca 1:
Rõ ràng chỉ có Giáo hội Công giáo mới thành toàn lời tiên tri này, mà là về hết mọi đời của Hội thánh thực sự.
Trái tim vô nhiễm của mẹ Maria
TRÁI TIM ĐỘC ĐÁO VÀ VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA NHẬN ĐƯỢC SỰ CHÚ Ý ĐẶC BIỆT TRONG KINH THÁNH
Giáo hội Công giáo tôn vinh và truyền bá lòng sùng kính đối với trái tim vô nhiễm của Đức Maria. Bà có trái tim thuần khiết nhất trong bất kỳ con người nào từng sống. Cũng giống như Hòm Bia Cựu Ước, lòng sùng kính tới trái tim vô nhiễm của mẹ Maria rất hữu hiệu với Thiên Chúa. Một số người không Công giáo lên án lòng sùng kính này là trái với Kinh Thánh. Ngược lại, chỉ có trái tim của Đức Maria được đề cập cụ thể trong Tân Ước. Không có trái tim của người tốt hay vị thánh nào khác nhận được sự chú ý như được dành cho trái tim của Đức Maria trong Tin Mừng. Trái tim bà là duy nhất trong số loài người bởi vì nó không bao giờ bị ô uế bởi tội lỗi.
Linh hồn độc đáo của mẹ Maria cũng nhận được một đề cập đặc biệt trong Kinh Thánh.
ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA
Thật đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người không Công giáo khó chịu với danh hiệu “Maria, Đức Mẹ Chúa Trời.” Họ thừa nhận rằng mẹ Maria là mẹ của Chúa Giêsu, nhưng lập luận rằng bà không thể được xem là “Đức Mẹ Chúa Trời.” Những người Tin lành cho rằng bà Maria không phải là mẹ của Thiên Chúa dường như không nhận ra rằng điều đó không nhất quán về mặt logic: một mặt tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng mặt khác phủ nhận Đức Maria là mẹ của Thiên Chúa. Một lập trường như vậy thực sự phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô, một ngôi vị Thiên Chúa với hai bản tính.
Sự thật: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Kinh Thánh dạy điều đó ở nhiều nơi (Gioan 1:1; Gioan 20:28; Gioan 8:58; Isaia 9:6; v.v.)
Sự thật: Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu. Kinh Thánh dạy điều đó ở nhiều nơi (Luca 1:31; Mt. 1:25; v.v.)
Kết luận không thể phủ nhận: Đức Maria là mẹ của Thiên Chúa.
Kinh Thánh chỉ ra rằng Mẹ Maria là mẹ của đấng Emmanuen (có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”).
Bà Isavê cũng nói rõ rằng Đức Maria là Thân Mẫu Chúa. Đó là Đức Chúa duy nhất, chính Thiên Chúa Giêsu Kitô.”
Điều đó thật đơn giản. Thật không may, chỉ nhiêu thế là không đủ cho một số người. Sai lầm của người Tin lành về điểm này cần phải được giải quyết và bác bỏ triệt để hơn.
Người Tin lành chỉ ra rằng thần tính của Thiên Chúa là vĩnh cửu và không có khởi đầu. Điều đó chắc chắn đúng. Vì bản tính của Thiên Chúa là vĩnh cửu và chắc chắn không đến từ Đức Maria, họ lập luận, bà Maria không thể được nói là “mẹ” của Thiên Chúa. Đây là lập luận chính mà người Tin lành đưa ra về điểm này. Đó là một lập luận rất yếu đuối.
Sai lầm của người Tin lành về điểm này bắt nguồn từ việc quy cho ngôi vị Con Thiên Chúa chỉ có những gì thuộc về thần tính của Người. Họ không quy cho ngôi vị Con Thiên Chúa những gì thuộc về hoặc liên quan đến nhân tính của Người.
Vì Con Thiên Chúa đã thực sự trở thành người, bằng cách không quy kết cho Người những gì thuộc về nhân tính của Người, họ thực sự phủ nhận rằng Chúa Giêsu Kitô đồng thời là Thiên Chúa thật và người thật.
Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, là một ngôi vị Thiên Chúa (ngôi hai trong Chúa Ba Ngôi) với hai bản tính. Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Chúa Giêsu Kitô không phải là một người được kết hợp hoặc linh hứng từ Thiên Chúa. Không, Người là Thiên Chúa đích thực, Người thực sự trở thành con người.
Chúa Giêsu không chỉ là một con người đặc biệt có linh hứng và kết nối độc đáo với Ngôi Lời (Con Thiên Chúa). Không, Người là Ngôi Lời trở thành người phàm. Do đó, chỉ quy cho Con Thiên Chúa những gì đặc biệt thuộc về thần tính của Người, và không phải những gì cũng áp dụng cho nhân tính Người lãnh nhận – như tín đồ Tin lành làm khi họ phủ nhận rằng Đức Maria là mẹ Thiên Chúa – là chia Chúa Giêsu thành hai người khác nhau.
Vào thế kỷ thứ 5, có một lạc giáo đồ tên là Nestoriô. Hắn tranh luận như những người Tin lành của thời đại chúng ta về vấn đề này. Ông cho rằng Đức Maria không nên được gọi là Theotokos (mẹ / đấng cưu mang Thiên Chúa), mà chỉ là Christotokos (đấng cưu mang Đức Kitô). Giáo hội ngay lập tức nhận ra lạc giáo của Nestoriô và lên án nó vào năm 431 tại Công đồng Êphêxô. Quan điểm sai lầm của Nestoriô đã được Giáo hội nhận ra là lạc giáo mà Kinh Thánh lên án là “không tuyên xưng” Chúa Giêsu và “phản Kitô.” Ý tưởng sai lầm này chối bỏ Đức Kitô bằng cách tách khỏi Người những gì liên quan đến nhân tính của Người. Nó dẫn đến việc phân chia Chúa Giêsu thành hai người, và lập trường rằng Chúa Giêsu chỉ là một con người mang (hoặc được linh hứng bởi) ngôi vị của Thiên Chúa, chứ không phải là một ngôi vị Thiên Chúa thực sự trở thành con người. Lạc giáo này dẫn đến việc sùng bái con người và thờ phượng hai người con. Giáo hội rõ ràng đã nhìn thấy điều này như đúng bản chất và lên án nó.
Chúa Giêsu không phải là hai người khác nhau. Người là một ngôi vị Thiên Chúa với hai bản tính. Do đó, những gì xảy ra với nhân tính của Người thực sự xảy ra với chính ngôi vị duy nhất của Người. Ngôi vị của Người được thụ thai và sinh ra trong nhân tính bởi mẹ Maria. Do đó, bà thực sự là mẹ của Người, và là mẹ của Thiên Chúa.
Ý nghĩa trong chân lý này thật cao cả. Như Giáo hội đã luôn dạy, Con Thiên Chúa, vĩnh cửu và bình đẳng với Chúa Cha, đã được sinh ra hai lần. Người được sinh ra trước thời gian, từ vĩnh hằng, từ Chúa Cha (Gioan 16:28; Gioan 8:42.). Người được sinh ra trong thời gian, như một con người, từ Đức Maria, mẹ của Người. Chỉ có Đức Maria mới sở hữu mối liên hệ bí nhiệm này với Thiên Chúa, với một ngôi vị của Chúa Ba Ngôi. Chính từ chân lý này, rằng bà thực sự là Mẹ Thiên Chúa, mà tất cả các đặc quyền độc đáo khác của bà đều đến.
KẾT LUẬN VỀ GIÁO HUẤN KINH THÁNH VỀ ĐỨC MARIA
Đây là những lý do kinh thánh vì sao Giáo hội Công giáo luôn thừa nhận tầm quan trọng và tính thiết yếu của lòng tận hiến tới Đức Trinh Nữ Maria. Bà là Eva mới, Hòm Bia mới, bình thuần khiết, cánh cổng đóng và Mẹ Thiên Chúa. Không có lòng sùng kính tới bà tương đương với việc một người trong thời Cựu Ước từ chối tôn kính Hòm Bia hoặc từ chối hành quân phía sau nó hướng đến trận chiến. Một người như vậy sẽ trở thành con mồi của kẻ thù Thiên Chúa và sẽ bị tách khỏi trại của dân Người.
Chú thích:
[1] Từ Hebrew cho đường viền ở đây là זֵר “zer,” còn có nghĩa là “vòng” hay “triều thiên”. Từ này tiếp tục được sử dụng trong Xuất hành 25:24 và 25. Một số bản dịch khác dùng từ “triều thiên,” gồm cả bản King James (bản dịch Tin lành phổ biến nhất ở các nước nói tiếng Anh) trong câu 24 và 25. Trong 25:11, Kinh thánh Công giáo tiếng Anh Douay-Rheims dịch từ bản Latin Vulgate sử dụng “triều thiên” cho từ này.
[2] Các bản dịch Tin lành của đoạn văn hơi khác nhau: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (bản King James 1611). Kinh Thánh Tin lành dịch phần cuối cùng của đoạn văn là dòng giống của người đàn bà sẽ nghiền nát đầu con rắn, trong khi các phiên bản Công giáo truyền thống dịch là “bà ấy” (người đàn bà) sẽ nghiền nát đầu con rắn. Một sự mơ hồ trong các văn bản tiếng Do Thái khiến điều này trở thành một vấn đề tranh luận học thuật. Tuy nhiên, nhiều Giáo phụ cổ đại đồng ý với bản dịch Công giáo truyền thống là “bà ấy.” Vô luận thế nào, ngay cả khi ta sử dụng, chỉ để lập luận, bản dịch được người Tin lành ưa thích, điểm về Đức Maria được xác định là “người đàn bà” đối lập với con rắn vẫn hoàn toàn không suy xuyển; Người Tin lành dịch phần đầu tiên giống như người Công giáo.
Bài Viết Liên Quan